Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Hội thảo Đô thị Quảng Yên: truyền thống và định hướng phát triển

Ngày 18/1/2011, tại thị trấn Quảng Yên (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh) đã diễn ra Hội thảo khoa học  "Đô thị Quảng Yên: truyền thống và định hướng phát triển". Đây là cuộc hội thảo do Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đồng tổ chức. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 27 báo cáo khoa học của 35 tác giả trong nước và 1 tác giả quốc tế là các vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Kiến trúc, Viện Khảo cổ học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, Huyện Yên Hưng và Trường Đại học Quốc gia Hiroshima (Nhật Bản).  

 Báo cáo đề dẫn của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sau khi điểm  lại các chặng đường lịch sử của đô thị Quảng Yên, đã rút ra mấy nhận xét sau:
"- Thứ nhất: Đô thị Quảng Yên hình thành và phát triển ở vùng cửa ngõ sông nước trọng yếu nhất của đất nước, nó vừa là quan ải che chắn, bảo vệ cho Kinh đô Thăng Long ở phía sau, vừa là nơi các vương triều đóng đô ở Thăng Long đặt làm cơ sở triển khai các chiến lược vươn ra đại dương, trấn giữ các vùng biển đảo.
- Thứ hai: Đô thị Quảng Yên có quá trình hình thành và phát triển lâu dài gắn liền với các lỵ sở của chính quyền địa phương (cấp phủ, lộ, trấn, tỉnh). Xung quanh Quảng Yên là những địa phương có cơ sở kinh tế hàng hóa mạnh, có quan hệ giao thương rộng với các thị trường trong nước quốc tế, làm nên sức sống của đô thị trong trường kỳ lịch sử.
- Thứ ba: Đô thị Quảng Yên là trung tâm của vùng chiến trường Bạch Đằng năm 1288, nơi hình thành và ghi dấu sâu đậm của truyền thống Bạch Đằng, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, truyền thống khai thác và bảo vệ biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
- Thứ tư: Đô thị Quảng Yên là một đô thị có lịch sử lâu dài (chỉ đứng sau đô thị Thăng Long-Hà Nội) và đã đạt đến hình thái phát triển đặc trưng của các loại hình đô thị trung đại, cận đại Việt Nam.
- Thứ năm: Tuy từ năm 1964 cho đến nay, đã gần một nửa thế kỷ chỉ còn là một thị trấn, nhưng Quảng Yên vẫn luôn phát huy vai trò của một đô thị trung tâm, có những đóng góp to lớn vào quá trình phát triển của huyện Yên Hưng, của tỉnh Quảng Ninh và của cả vùng Đông Bắc".
Căn cứ vào nội dung các báo cáo, hội thảo đã lắng nghe và tập trung thảo luận theo 3 nhóm vấn đề như sau:
 1 . Đô thị Quảng Yên: Nguồn gốc, chức năng, quá trình hình thành, phát triển 
 2.  Không gian văn hóa đô thị Quảng Yên 
 3.  Điều kiện và nguồn lực tự nhiên, kinh tế, xã hội cho phát triển đô thị
Nhóm vấn đề thứ nhất: Đô thị Quảng Yên: Nguồn gốc, chức năng, quá trình hình thành, phát triển gồm có 8 báo cáo. 
Báo cáo của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc trình bày về quá trình xây dựng và thực thi chiến lược  đối với vùng biển đảo miền Đông Bắc của Tổ quốc của các triều đại phong kiến Việt Nam mà vị vua đầu tiên là Lý Anh Tông (1138-1175) với việc xây dựng hành dinh trại Yên Hưng.
 Các báo cáo của TS. Lê Thị Liên ( Viện Khảo cổ học) và TS. Nguyễn Việt ( Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) và các cộng sự đã công bố các kết quả khai quật Khảo cổ học vùng đất này nhằm nhận diện chiến trường Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống Nguyên -Mông lần thứ ba năm 1288. 

Đặc biệt báo cáo của TS. Nguyễn Việt đã cho biết thêm những phát hiện mới nhất về các hiện vật gốm sứ và di cốt người tại vùng bãi cọc Bạch Đằng hứa hẹn sẽ mang lại những nhận thức mới về những người lính của một thời kỳ  hừng hực hào khí Đông A.

Có 1 báo cáo của GS.TS Yao Takao thông qua việc giới thiệu về hai tấm bia có niên đại Hồng Đức: 1470 và 1479 đã cố gắng trả lời câu hỏi: "Tại sao các chính quyền trung ương lại phải xếp đặt chế độ hành chính? Mục đích chủ yếu là nhằm để thiết lập một sự quản chế mạnh của chính quyền trung ương lên các địa phương. Nội dung của hai tấm bia này cho thấy công cuộc khai hoang của các làng mới lập và chúng cũng cho chúng ta thấy hoạt động của các quan chức cao cấp từ trung ương và những người đứng đầu địa phương đã xử sự với các làng này thế nào, đồng thời hai tấm bia đó cũng cho thấy sự tương phản giữa các ý tưởng của trung ương và tình hình thực tế ở địa phương" . 
TS. Hoàng Anh Tuấn báo cáo về vùng Quảng Yên trong chiến lược thương mại của Công ty Đông Ấn Hà Lan 
Bằng cách tiếp cận lịch sử và khu vực học, báo cáo của Ths.Vũ Đường Luân về "Hệ thống cửa sông vùng ven biển Đông Bắc và việc lựa chọn địa điểm xây dựng cảng lớn ở Bắc Kỳ nửa cuối thế kỷ 19" muốn nhìn lại quá trình lựa chọn và những tác nhân của quá trình hình thành đô thị cảng ở vùng duyên hải đông bắc Bắc Bộ trong khoảng ba thập niên nửa cuối thế kỷ XIX. Đồng thời, các tác giả cũng chỉ ra những hệ quả của nó đối với sự phát triển các hải cảng sau này. Điều này không chỉ góp phần làm rõ những đặc trưng cơ bản của các đô thị cảng ở vùng duyên hải Đông Bắc mà chắc hẳn những kinh nghiệm lịch sử sẽ có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này hiện nay".  
Đại tá TS. Cao Thanh Tân, Ths. Tống Văn Lợi, TS. Phạm Văn Lợi và Đặng Ngọc Hà làm rõ hơn quá trình phát triển của huyện Yên Hưng từ cuối thế kỷ 19  cho tới ngày nay.
PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Phó chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam chủ trì tiểu ban


Nhóm vấn đề thứ hai là Không gian văn hóa đô thị Quảng Yên gồm 8 báo cáo, trong đó có 2 báo cáo bắt đầu từ văn hóa Bạch Đằng và khảo tả khu vực này như là trung tâm văn hóa của vùng Đông Bắc, ( của TS Nguyễn Việt, Lê Đồng Sơn) 3 báo cáo đi sâu vào di tích thành, phố và kiến trúc đô thị ( PGS.KTS Tôn Đại về " Một số ý kiến về Kiến trúc Pháp tại Quảng yên", TS Nguyễn Việt về " Khảo cổ học biệt thự Pháp tại Quảng Yên), 1 báo cáo khảo tả về Tri thức dân gian về nghề vận tải biển ( Đặng Ngọc Hà) và 2 báo cáo bàn về vấn đề quy hoạch và bảo tồn di tích chiến trường Bạch Đằng, di tích văn hóa huyện Yên Hưng phục vụ phát triển bền vững đô thị( PGS.TS Đặng Văn Bài và Trịnh Công Lộc).

- Nhóm vấn đề thứ ba là Điều kiện và nguồn lực tự nhiên, kinh tế, xã hội cho phát triển đô thị gồm 10 báo cáo  của các nhà khoa học  tập trung vào lịch sử hình thành, biến đổi và những đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên vùng cửa sông Bạch Đằng và huyện Yên Hưng, thực trạng kinh tế xã hội, những tiềm năng và thách thức, dự báo những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đến khu vực đất thấp ven biển và gợi mở hướng phát triển đô thị bền vững ở khu vực Quảng Yên - Yên Hưng.
 PGS.TS Vũ Văn Phái trình bày về " Một số đặc điểm tự nhiên huyện Yên Hưng và sự biến đổi của chúng trong thời gian gần đây"
TS. Nguyễn An Thịnh thay mặt cho nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Cao Huần, Ths. Trần Văn Trường, PGS.TS Đặng Văn Bào, GS.TS Trương Quang Hải, Ths Dư Vũ Việt Quân trình bày báo cáo về" Đánh giá biến đổi của điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường khu vực đất thấp ven biển Hà Nam, huyện Yên hưng, tỉnh Quảng Nam dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu"
GS. TS Trương Quang Hải trình bày báo cáo về" Phân tích lợi thế và hạn chế trong phát triển kinh tế của huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh"
Ngoài ra còn một số báo cáo về " Kinh tế Yên Hưng từ góc nhìn sinh thái- Nhân văn" của TS.Phạm Văn Lợi, " Định hướng hoạch định không gian sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng đất thấp Hà Nam, huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh" của các GS.TS Trương Quang Hải, Nguyễn Cao Huần, Đặng Văn Bào, Phạm Quang Anh...
Một số hình ảnh về Hội thảo


GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia tổng kết hội thảo

3 nhận xét:

  1. Nhanh thế, mình đang định đưa tin. Cho copy bài này về trang web của BTNH.

    Trả lờiXóa
  2. Quang Anh chụp ảnh cô Dung đẹp không? Mình lướt qua các báo rồi, đưa tin ngắn ngủn. Phải bắt ông Ngọc trả thù lao "báo chí" nhỉ?:)

    Trả lờiXóa
  3. Quang Anh chụp đẹp lắm. Thấy mấy đứa ở viện nói nó có khiếu chụp ảnh và làm IT lắm đấy!

    Trả lờiXóa

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...