Nguyễn Quang Ngọc
Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển
Domea là một bến cảng cửa khẩu ở vùng cửa sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII- XVIII, có nhiều tầu thuyền ngoại quốc (nhất là tầu thuyền của người Hà Lan và người Anh) ra vào. Cái tên Domea xuất hiện rất phổ biến trong các tập bản đồ, các trang tư liệu liên quan đến hoạt động thương mại của người phương Tây đương thời, nhưng hầu như không được nhắc đến trong các nguồn tư liệu Việt Nam. Domea, vì thế, cũng được học giả phương Tây, nhất là học giả người Pháp như Ch.B.Maybon, H.Bernard… quan tâm nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX, nhưng dường như hàng chục năm sau đó không có nhà nghiên cứu Việt Nam nào thực sự để tâm tới. Mãi đến năm 1992, trong Hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị cổ Phố Hiến, chúng tôi mới bắt đầu khơi lại vấn đề. Từ bấy đến nay có nhiều vị chuyên gia như: Trần Quốc Vượng, Hán Văn Khẩn, Hoàng Văn Khoán, Nguyễn Văn Sơn (Khảo cổ học); Vũ Minh Giang, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Hải Kế, Nguyễn Văn Kim, Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Thị Thuỳ Lan (Sử học); Trần Đức Thạnh, Đặng Văn Bào, Vũ Văn Phái, Trương Quang Hải, Đinh Văn Huy (Địa lý học)… dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu thực địa, khai quật khảo cổ học, thu thập thêm tư liệu viết bài phát biểu quan niệm của mình. Nhìn chung các ý kiến cho đến nay cũng vẫn còn tản mạn, nhưng xu hướng càng ngày càng xích lại gần nhau hơn. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được tổng hợp các ý kiến cá nhân đã trình bày, cung cấp thêm một số thông tin và gợi ra một số vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.
I. Vùng cửa sông đàng ngoài và cảng cửa khẩu Domea trong nguồn tư liệu bản đồ và thư tịch cổ Phương Tây
Có một tấm bản đồ nổi tiếng: Sông Đàng Ngoài từ Kẻ Chợ ra Biển (Plan of The Tongquin River from Cacho to the Sea), đã được rất nhiều người nhắc tới trong các công trình nghiên cứu xưa nay[1], nhưng với nhiều cách giải thích không giống nhau. Nhìn hình dáng dòng sông và liên hệ với thực tế sông ngòi ở Châu thổ sông Hồng hiện nay thì không ai lại không tin rằng dòng sông Đàng Ngoài kia là dòng sông Hồng[2]. Sông Hồng là dòng sông lớn nhất, quan trọng nhất bồi đắp nên toàn bộ vùng châu thổ và chia châu thổ sông Hồng ra thành hai vùng Tả ngạn và Hữu ngạn, nhưng các cửa sông Hồng ở khu vực Nam Định, Thái Bình đều rất nông, tầu thuyền lớn hầu như không qua lại được[3]. Từ xưa các tầu thuyền có trọng tải lớn muốn đi sâu vào vùng trung tâm châu thổ sông Hồng vẫn thường chọn cửa sông Đáy (hay còn gọi là cửa Độc Bộ, mà người phương Tây phiên gọi là cửa sông Rockbok). Tuy nhiên đến khoảng thế kỷ XVI, XVII cửa sông Đáy cũng đã bị bồi lấp nhiều, các tầu thuyền lớn của phương Tây hầu như không qua lại nữa, mà dường như chỉ còn một số ít thuyền nhỏ của Trung Quốc và Xiêm đôi khi qua lại cửa sông này mà thôi[4]. Sông Đàng Ngoài do một thương nhân người Anh vẽ được coi là động mạch chủ của toàn bộ quan hệ giao thương giữa người Đàng Ngoài với người phương Tây nói riêng và với người nước ngoài nói chung vào hồi thế kỷ XVII chắc chắn không đổ ra khu vực cửa biển thuộc các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình hiện nay. Vậy sông Đàng Ngoài từ Kẻ Chợ đổ ra vùng cửa biển nào thuộc hạ châu thổ Sông Hồng?.
Bản đồ sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII của công ty Đông Ấn Anh
Năm 1991, chúng tôi được đến nghiên cứu kho tư liệu cổ của Công ty Đông ấn Hà Lan tại Den Haag và phát hiện ra ở đó có lưu giữ tấm bản đồ mang tên De Rivier Toncquin. Đây cũng là tấm bản đồ Sông Đàng Ngoài, nhưng cách vẽ hiện đại, có tỷ lệ khá chính xác nên dễ hình dung hơn. Tấm bản đồ này chỉ vẽ đường sông mà tầu thuyền đi vào Thăng Long hay đi ra cửa biển mà hoàn toàn bỏ qua các dòng sông dù rất lớn, rất quan trọng, nhưng không nằm trên con đường họ thường xuyên qua lại. Tất cả các chú thích đều được chuyển thành chữ Hà Lan cổ. Cũng tại đây chúng tôi còn tìm thấy một số bản đồ khác tuy không vẽ riêng về sông Đàng Ngoài chi tiết như hai tấm bản đồ trên, nhưng đặt trong toàn cảnh vùng Đàng Ngoài thì lại cho phép có một hình dung tương đối cụ thể về dòng sông này. Mở rộng tìm kiếm thêm các bản đồ cổ khác của phương Tây, chúng tôi cũng thu được kết quả tương tự[5].
Bản đồ sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII của công ty Đông Ấn Hà Lan
Trên cơ sở đó, chúng tôi tìm đọc những ghi chép của các thương nhân và giáo sĩ phương Tây đương đại hay những nghiên cứu về địa lý lịch sử ở thế kỷ XIX của chuyên gia phương Tây thì càng vững tin rằng sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII không phải là dòng sông Hồng như hiện nay mà chỉ là con đường giao thông thuỷ tiện lợi hơn cả cho tầu thuyền có trọng tải tương đối lớn từ biển tiến sâu vào cửa sông Thái Bình và có thể ngược lên đến Phố Hiến, thậm chí có khi đến được Thăng Long - Kẻ Chợ.
Thật ra, cũng đã có một số chuyên gia phương Tây đặt ra và lý giải vấn đề này từ lâu. Có thể xem nghiên cứu của Tiến sĩ Gutzlaff được xuất bản từ năm 1849 là một ví dụ tiêu biểu. Trong công trình mang tên: Geography of the Cochinchina Empire, Gutzlaff đã chỉ ra rất rõ: “Con sông từ đó chảy theo hướng đông nam. Có thủ phủ Bắc Kỳ là Kẻ Chợ hay Hà Nội - nằm ở phía bên bờ hữu ngạn. Nó đột nhiên ngoặt dòng ở Hiến, chảy theo hướng Bắc, hình thành một châu thổ, trong đó có địa điểm Domea là cảng của các tàu bè ngoại quốc ra vào thời xưa. Con sông có ba cửa, cửa cực Bắc có mực nước sâu nhất, cửa phía Nam thì gần như không ra vào được đối với các tàu thuyền có mực ngấn nước trên 10 bộ, vì có các dải cát và các vụng nước nông”[6].
Chúng tôi cho rằng sông Đàng Ngoài là các đoạn sông Hồng chạy từ Hà Nội cho đến ngã ba Hải Triều, toàn bộ dòng sông Luộc từ ngã ba Hải Triều đến ngã ba Quý Cao và đoạn tiếp theo là hạ lưu và cửa sông Thái Bình[7]. Bản đồ đánh dấu ở vùng cửa sông Đàng Ngoài có các địa danh Đảo Ngọc, Mũi Hổ, mà đến nay vẫn còn có thể nhận ra núi Ngọc (Đảo Ngọc) thuộc khu vực thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Phía trong Đảo Ngọc là Mũi Hổ và một cái vịnh, nơi có đánh dấu một cột đèn hiệu (Aleron) và giếng nước ngọt, nước rất tốt[8]. Có thể chỉ ra một cách khá cụ thể rằng đây là đoạn đường bờ biển chạy từ Đồ Sơn đến cửa sông Văn Úc. Nhiều tài liệu đương đại khác cho hay vùng cửa sông Đàng Ngoài là vùng quê hương nhà Mạc và mô tả tầu thuyền đi vào cửa sông bao giờ cùng phải lấy núi Voi làm chuẩn. Vì thế cửa sông Đàng Ngoài không thể khác là cửa sông Thái Bình. Dòng chính của sông Đàng Ngoài chảy ngang sang phía đông đổ ra vùng cửa biển có một địa danh mà ai nghiên cứu tấm bản đồ này cũng phải chú ý tới là Domea.
Năm 1688, trong Du hành và Khám phá, William Dampier mô tả: “Con sông (hay cửa sông) thứ hai là đường chúng tôi đi vào. Nó rộng và sâu hơn nhiều so với nhánh thứ nhất. Tôi không biết tên chính xác của nó là gì, nhưng để phân biệt với nhánh kia, tôi sẽ gọi nó là sông Domea, tại vì thành thị đáng kể thứ nhất mà tôi trông thấy trên bờ mang tên ấy. Cửa con sông này ở vĩ tuyến 20 độ 45 phút, đổ ra biển cách Rokbo độ 20 lý (96 km) về phía đông bắc. Giữa hai con sông này có nhiều dải cát hõm sâu rất nguy hiểm, trải dài ra xa khơi đến 2 lý (9,6 km) hoặc hơn thế nữa.... Mốc đánh dấu con sông này là một trái núi to, cao và rất dài ở trong đất liền, mà người ta gọi là Núi Voi. Phải chiếu thẳng mũi tầu về phía quả núi ấy theo hướng tây bắc, một phần tư ngả về phương bắc, sau đó căng buồm đi vào bờ sẽ thấy nước nông hơn. Khi đến chỗ nước chỉ còn 6 sải (11 m) sẽ cách chân (hay cửa) của bãi nổi từ 2 đến 3 dặm (3,2-4,8 km), đồng thời cũng cách đảo Ngọc khoảng chừng đó, thì nên đi áp sát theo hướng đông bắc. Với các mốc hải tiêu như thế và căn cứ vào chiều sâu của nước như trên bạn có thể buông neo để chờ hoa tiêu đến. Những hoa tiêu ở vùng cửa sông này là dân chài ngụ cư trong một xóm ngay ở cửa sông có tên là Batsha. Thôn này nằm tại một địa điểm thuận tiện để họ có thể trông thấy các tầu đang chờ hoa tiêu và cũng dễ dàng nghe thấy tiếng đại bác mà người Âu hay bắn để báo tin họ đã tới....”[9].
Sang thế kỷ XVIII, Abbé Richard trong cuốn sách Lịch sử Đàng Ngoài xuất bản ở Paris năm 1778 cũng cho biết: “Cách cửa sông 5 hoặc 6 lý (khoảng từ 24 đến 29 km) có một thành phố khác gọi là Domea, nhỏ hơn Phố Hiến nhưng lại rất nổi tiếng đối với người nước ngoài, bởi vì nó ở trong một cái vụng được tạo thành bởi dòng sông đối diện với nó”[10].
Bản đồ sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII và những mô tả của William Dampier, Abbé Richard ở trên cho phép nêu ra 2 nhận xét:
- Thứ nhất: Cửa sông Thái Bình ở khu vực các huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng (Hải Phòng) là cửa sông Đàng Ngoài, tức là cửa ngõ của toàn bộ vùng châu thổ sông Hồng thời kỳ này.
- Thứ hai: Cửa sông Thái Bình là nơi chính quyền Đàng Ngoài cho phép các đoàn tầu thuyền nước ngoài được ra vào, buôn bán trao đổi hàng hoá và mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế.
Nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII qua các nguồn tư liệu thư tịch và bản đồ cổ của phương Tây, chúng ta không thể không chú ý đến vùng cửa sông Đàng Ngoài và gắn liền với nó là Domea - một cảng cửa khẩu quốc tế, tiền cảng của Phố Hiến, nơi rất hiếm hoi trên toàn lãnh thổ Việt Nam lúc đó, người nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Hà Lan được thật sự tự do sinh sống và buôn bán. Bản đồ Châu á của Johann Matthias Hase, xuất bản ở Nuremberg Đức năm 1744 cũng đánh dấu Domea như là một địa danh lớn quan trọng vào bậc nhất ở khu vực Đàng Ngoài[11].
II. Tư liệu khảo sát thực địa tại vùng cửa sông Thái Bình
Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để xác định vị trí của bến cảng cho các loại tầu thuyền lớn có thể ra vào ở vùng châu thổ duyên hải là phải có cửa sông và dòng sông vừa đủ độ sâu vừa tương đối rộng, lại có các đầm/ vịnh để tầu thuyền neo đậu và có nguồn nước ngọt, nước sạch cung cấp cho tầu thuyền. Các cảng loại này thường được đặt ở các dải để cát cổ, ổn định, vững chắc và nổi cao trong khu vực cửa sông. Tuy được gọi là cảng biển nhưng trên thực tế các cảng này không nằm chơ vơ ngoài bờ biển, mà thường lùi sâu vào phía trong sông để có thể giữ được an toàn mỗi khi bão to, gió lớn, triều cường.
Qua phân tích các nguồn tư liệu bản đồ và thư tịch cổ của các công ty Đông ấn Anh, Pháp, Hà Lan, chúng tôi cho rằng bến cảng Domea chắc chắn có liên quan (trực tiếp hay gián tiếp) đến khu vực “Mè” ở phía tây bắc huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng ngày nay. Dân gian quan niệm thế đất của huyện Tiên Lãng là “đầu Mè, đuôi úc, giữa khúc Trung Lăng” [12]. Gọi là “đầu Mè” vì ở phía tây bắc đầu huyện và làm ranh giới với huyện Tứ Kỳ có sông Đò Mè (là tên địa phương của một đoạn trung lưu sông Thái Bình), chợ Mè, bến Mè và nhiều đền, miếu, cây đa, vườn Đồn, vườn Quan, phố Huyện cũng mang tên “Mè”. Phố huyện Mè và phế tích các công trình kiến trúc có nhiều khả năng là di tích phủ huyện Tiên Minh đầu đời Nguyễn. Chắc chắn có nhiều thuyền buôn Anh - như ghi chép của William Dampier - đã ngược lên phía trên Domea khoảng vài ba dặm rồi mới thả neo và tiến hành buôn bán, cho nên nếu như có tìm ra được các dấu tích hoạt động thương mại của người phương Tây ở đây thì cũng không có gì đặc biệt và hoàn toàn không phải là chứng cứ để xác định vị trí chính xác của Domea. Tư liệu thư tịch và bản đồ cổ phương Tây không cho phép suy diễn một cách giản đơn rằng ở nơi nào hội được các địa danh “Mè” với hàng đống mảnh sành sứ thương mại, thì nơi ấy dứt khoát phải là cảng/ bến/ phố Domea. Sông Đò Mè hoà dòng với sông Đàng Ngoài ở khoảng ngã ba Quý Cao, nhưng bản thân nó không được người phương Tây quan niệm là sông Đàng Ngoài. Tấm bản đồ sông Đàng Ngoài của người Anh chỉ vẽ đoạn sông này có tính chất tượng trưng để đánh dấu vị trí có liên quan đến cửa sông[13]. Đặc biệt bản đồ sông Đàng Ngoài của người Hà Lan thì chỉ đánh dấu cửa sông mà hoàn toàn không vẽ đến đoạn sông này. Trung lưu sông Thái Bình (sông Đò Mè) có thể là vị trí vô cùng quan trọng đối với người Việt Nam, nhưng vì nó không nằm trên con đường chủ yếu mà người phương Tây từ cửa biển Thái Bình vào sông Domea (cũng là cửa sông Đàng Ngoài) đến cảng Domea rồi ngược lên Phố Hiến, Thăng Long, nên nó không được thể hiện rõ ràng trên bản đồ sông Đàng Ngoài. Vì thế mặc dù khu vực nông trường Quý Cao hiện nay là trung tâm của các địa danh Mè, nhưng hoàn toàn không có cơ sở cho phép “đoán định về một trung tâm đích thực, quan trọng của hệ thống cảng sông Domea trong lịch sử”[14] ở trên vị trí này.
Sông Đò Mè còn có tên nữa là sông Lấp vì trong mấy chục năm gần đây nhiều đoạn sông đã biến thành đồng ruộng, xóm làng, nhiều đoạn dấu tích dòng sông chỉ còn là một con mương nhỏ. Chúng tôi cho rằng sông Đò Mè chính là “dòng sông đối diện” tạo nên một cái vịnh mà Abbé Richard đã mô tả ở trên, còn dòng sông Domea mà William Dampier nói đến trong tác phẩm của mình là dòng sông Thái Bình, hay nói một cách chính xác là hạ lưu sông Thái Bình đoạn từ Quý Cao chẩy qua khu vực các xã Tiên Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Kiến Thiết, Đoàn Lập, Tiên Minh và đổ ra biển[15]. Làng Phương Đôi (hay Hoa Đôi) xã Tiên Minh vốn là một làng nằm trên đê cát cổ chắn giữa cửa sông Thái Bình. Phương Đôi có một xóm nằm sát cạnh đê gọi là xóm Táo Pháo (hay còn gọi là Táo Pháo Tiền Triều) rộng khoảng 4 mẫu và cao đến vài ba mét so với mặt đất hiện nay. Trong thôn còn có các địa danh Cổng Đồn, Hồ Đồn, Trường Bắn, Vũng Chợ, Cửa Phố, Phố.... là dấu tích còn lại của đồn Ngải Am Hữu trấn giữ cửa biển Thái Bình từ thời Mạc. Bên kia sông Thái Bình là dấu tích đê cát cao và trên đó có đồn Ngải Am Tả. Đồn Ngải Am Tả kết hợp với đồn Ngải Am Hữu trấn giữ vùng cửa sông Thái Bình. Bên Ngải Am Tả có đền thờ Hoàng Thái hậu nhà Tống là vị thần bảo hộ cho các hoạt động buôn bán trên biển. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về đoạn đê biển kè đá ở Ngải Am được gia cố vào thời Lê Vĩnh Thịnh[16] thập kỷ đầu thế kỷ XVIII. Những di tích được kể ra ở trên có thể được coi là vết tích còn lại của vùng cửa sông Thái Bình khoảng thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, mà cũng chính là cửa từ biển vào của dòng kênh hay dòng sông được người phương Tây mệnh danh là Domea.
Trong khu vực được quan niệm thuộc vùng “đầu Mè” và ở ngay bên bờ sông Thái Bình (được người phương Tây gọi là dòng sông Domea) ấy, có làng là An Hỗ (nay gọi là An Dụ) thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng là làng nổi tiếng giầu có và tài buôn bán nhất trong vùng. Chúng tôi xếp làng An Hỗ vào khu vực “đầu Mè” vì trong thực tế An Hỗ chỉ cách bến đò Mè là địa danh quan trọng nhất của vùng Mè khoảng 3 cây số. Hơn nữa, trong quan niệm dân gian “Mè” là khu vực khá rộng bao gồm nhiều làng “An” ở cuối huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) và ở đầu huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) như An Đường, An Hưng, An Hỗ, An Tân, An Tứ, An Lao, An Định, An Quý, An Thổ, An Dụ (An Hỗ), An Tử Thượng, An Mỗ[17]… . Khu vực “đầu Mè” hay “đuôi Mè” không có ranh giới cố định mà chỉ là quan niệm dân gian hết sức tương đối. Có lẽ một phần vì đất An Hỗ trước đây rộng hơn nhiều so với hiện nay và phía Bắc và Tây Bắc của An Hỗ là dòng sông và vịnh cổ, đất trũng không có làng xóm cho nên trong khi vẽ bản đồ huyện Tiên Minh, sách Đồng Khánh địa dư chí đã đưa làng An Hỗ và tổng Ninh Duy lên gần sát ngã ba Quý Cao và sông Đò Mè, hay tổng Ninh Duy sát liền với tổng Đại Công khi vẽ về phủ Nam Sách. Có thể hình dung “Đò Mè” lúc đầu chỉ là tên riêng của một đoạn trung lưu sông Thái Bình ở khu vực nông trường Quý Cao hiện nay, nhưng lâu dần đã trở thành tên gọi chung cho toàn bộ đoạn sông Thái Bình ở phía Tây Bắc huyện Tiên Lãng. Người phương Tây đến Đàng Ngoài bằng thuyền đã mượn địa danh hết sức quen thuộc này để ghi dấu dòng sông, ghi dấu ngã ba sông tầu thuyền thường qua lại với bến thuyền họ buông neo và làng xóm họ lưu lại sinh sống, buôn bán. Domea ra đời trong bối cảnh như thế, hẳn là không thể không có nguồn gốc gián tiếp từ địa danh “Đò Mè”.
Xã Khởi Nghĩa theo nghiên cứu của Trần Đức Thạnh thì lại nằm ở đầu một đê cát cổ cao 4,5 m[18]. Phía trong đê cát là một cái vịnh cổ chiếm gần như toàn bộ diện tích của khu vực ngã ba sông Mới sông Thái Bình phần phía bắc xã Tiên Tiến, xã Tiên Cường, khu vực làng Đại Công hiện nay và cả khu cánh đồng Lác thuộc xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo. Phía nam của Khởi Nghiã cũng là cả một hệ thống đồng trũng, đầm lầy kéo dài đến đầu đê cát cổ nằm chắn ngang cửa sông Thái Bình, bên tả là Nam Am, Ngải Am (huyện Vĩnh Bảo) còn bên hữu là Phương Đôi Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) mà Trần Đức Thạnh xếp vào hệ đê cát 3 cao từ 2m đến 2,5 m. Địa hình tự nhiên thuận lợi ấy đã đặt An Dụ vào vị trí có tầm quan trọng đặc biệt ở vùng hạ lưu và cửa sông Đàng Ngoài. Bản đồ sông Đàng Ngoài vẽ năm 1728 (La Riviere de Tonquin) lưu trữ tại Công ty Đông ấn Hà Lan vẽ đường tầu ra vào sông Đàng Ngoài, trong đó có thể nhận ra một cách dễ dàng đấy là vùng cửa biển, hạ lưu sông Thái Bình và đoạn sông Luộc tiếp nối từ ngã ba Quý Cao lên đến khoảng phía trên cửa sông Hoá (tức là phía trên thị trấn Ninh Giang hiện nay). Đoạn từ cử biển đi vào qua chỗ cửa sông An Thổ đổ vào sông Luộc, được đánh dấu khá cụ thể và chính xác độ sâu của dòng sông, xác nhận loại tầu thuyền lớn của phương Tây chỉ có thể lên đến địa đầu của xã Hà Thanh huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) mà thôi. Tại vị trí bờ bên phải, phía dưới ngã ba Quý Cao có đánh dấu địa danh Domay (là cách viết khác của Domea). Vị trí này tương đương với khu vực cửa sông Domea mà William Dampier cho biết toạ độ chính xác 20 độ 45 phút. Sông Đò Mè hoà dòng với sông Luộc ở Quý Cao, tạo thành vịnh nước lớn rồi đổ vào hạ lưu sông Thái Bình ở khu vực phía dưới cống Rỗ (xã Tiên Tiến), liền sát cánh đồng cực Bắc của thôn An Dụ xã Khởi Nghĩa. Khu vực này và cánh đồng cực bắc của thôn An Dụ xã Khởi Nghĩa qua ảnh vệ tinh và qua quan sát trên thực địa hoàn toàn có thể xác định là vùng ngã ba sông. (Bản đồ viễn thám chụp khu vực này, không thể đưa lên trang này được)
Dòng chính sông Thái Bình thế kỷ XVII, XVIII trên căn bản vẫn là dòng chính sông Thái Bình hiện nay, có thể trước hay sau thế kỷ XVII đã từng là dòng sông rất lớn, nhưng ở thời điểm người phương Tây vẽ bản đồ Sông Đàng Ngoài từ Kẻ Chợ ra Biển thì chỉ được thể hiện là một dòng kênh (channell). Tuy thế đây là một dòng nước đủ sâu và đủ rộng cho tầu thuyền lớn có thể qua lại dễ dàng[19], nên dòng kênh này đã trở thành con đường giao thương chính cuả các tầu thuyền phương Tây.
Tại cánh đồng và khu vực xóm 1 thôn An Dụ vẫn còn nhận thấy dấu tích một hệ thống bến cảng, khu buôn bán và cư trú như bến ốc, bến Tháp Giang, chùa Vàng, cầu Bạc với một hệ thống giếng nước cổ (chúng tôi đoán là để cung cấp nước ngọt cho tầu thuyền), nhiều dấu tích phế tích kiến trúc, gạch ngói, ngói ống, gạch Bát Tràng, đồ gốm sứ có niên đại thế kỷ XVI, XVII, XVIII trải rộng trên phạm vi đến cây số vuông với tầng văn hoá có chỗ sâu gần 2 m[20].
Năm 2002, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) phối hợp với Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Sở Văn hoá Thông tin thành phố Hải Phòng tiến hành đào thám sát khảo cổ học 2 hố, mỗi hố rộng 10 m2, tại hai địa điểm cách nhau khoảng 50 m[21]. Hố 1 ở nằm trong làng có 4362 hiện vật, hố 2 nằm ở khu Đa Chợ có 3490 hiện vật. Sơ bộ phân loại có 2493 mảnh sành vỡ, 2068 mảnh ngói vỡ, 1951 mảnh gốm vỡ không có men, 950 mảnh gốm vỡ có men và 120 mảnh gạch vỡ. Theo các chuyên gia nghiên cứu thì hầu hết các hiện vật gốm ở đây đều thuộc dòng gốm xuất khẩu Chu Đậu niên đại thế kỷ XVI- XVII.
Khu vực Cầu Vàng, thôn An Dụ | Cánh đồng Đa Chợ, thôn An Dụ |
Ngày 7 tháng 2 năm 2007 (20 tháng Chạp năm 2006) ông Nguyễn Đức Cải 46 tuổi ở xóm 1 thôn An Dụ thuê máy xúc vét bùn ở cạnh cửa phía bên trong cống Bến ốc đầu xóm 1 (khu vực mà dân gian xác nhận là một trong hai bến chính của làng An Dụ) đã phát hiện rất nhiều mảnh vỡ gốm thương mại, có cả ông bình vôi, bình hoa, lon sành (phế phẩm), đồ đất nung có trang trí, nhiều mảnh ván gỗ và rất nhiều tiền tiền kẽm xâu thành dây đã bị kết lại. Trước đó ông Cải và người trong xóm đào ao hay cải tạo khu vực này cũng đã đào đi vô vàn các hiện vật tương tự.
Hiện vật thu thập được ở Bến ốc
Nằm cạnh Bến ốc, khu vực bến Tháp Giang liền sát bờ sông Thái Bình, theo nhân dân địa phương loại hiện vật như đã phát hiện được ở bến ốc còn dầy đặc hơn. Bến Tháp Giang còn có tên là bến An Tháp vì ngay trên bến là Chùa Tháp của làng An Dụ. Bến An Tháp thôn An Dụ nằm trên con đường giao thông thuỷ nối liền Đông Kinh với Dương Kinh (từ Đông Kinh qua sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình (sông Lôi) ra cửa Văn úc và vào Cổ Trai), nên từ đầu thế kỷ XVI đã là một bến sông có tiếng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào tháng 4, mùa hạ năm 1527 vua Lê (Cung Hoàng) sai người: “cầm cờ tiết, mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, tán tía đến làng Cổ Trai huyện Nghi Dương, tiến phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương, gia thêm Cửu Tích, Đăng Dung đón tiếp ở bến đò An Tháp, huyện Tân Minh” [22]. Những di vật còn lại ở bến ốc, bến Tháp và khu vực cảng bến An Dụ cũng góp phần xác nhận vị trí trọng yếu của bến Tháp ngay từ các thế kỷ XV, XVI. Nhận rõ vị trí thuận lợi của khu vực thôn An Dụ, rất có thể ngay từ thời Mạc và nhất là trong thời Lê - Trịnh, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã sử dụng hệ thống cảng bến này thành cảng cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát và phục vụ, dịch vụ cho tầu thuyền và các hoạt động thương mại của người nước ngoài. Tư liệu tuy chưa khai thác và tập hợp được đầy đủ, nhưng cho đến nay cũng có thêm cơ sở để tin rằng chiếc neo thuyền đặt ở phía dưới cửa sông (cũng là ở phiá dưới và gần liền với toạ độ 20 độ 45 phút) trong bản đồ Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII là một chỉ dẫn về vị trí chính xác của các bến ốc và Tháp Giang thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa[23].
Hiện vật khai quật ở khu Đa Chợ
Nằm cạnh Bến ốc, khu vực bến Tháp Giang liền sát bờ sông Thái Bình, theo nhân dân địa phương loại hiện vật như đã phát hiện được ở bến ốc còn dầy đặc hơn. Bến Tháp Giang còn có tên là bến An Tháp vì ngay trên bến là Chùa Tháp của làng An Dụ. Bến An Tháp thôn An Dụ nằm trên con đường giao thông thuỷ nối liền Đông Kinh với Dương Kinh (từ Đông Kinh qua sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình (sông Lôi) ra cửa Văn úc và vào Cổ Trai), nên từ đầu thế kỷ XVI đã là một bến sông có tiếng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào tháng 4, mùa hạ năm 1527 vua Lê (Cung Hoàng) sai người: “cầm cờ tiết, mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, tán tía đến làng Cổ Trai huyện Nghi Dương, tiến phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương, gia thêm Cửu Tích, Đăng Dung đón tiếp ở bến đò An Tháp, huyện Tân Minh” [22]. Những di vật còn lại ở bến ốc, bến Tháp và khu vực cảng bến An Dụ cũng góp phần xác nhận vị trí trọng yếu của bến Tháp ngay từ các thế kỷ XV, XVI. Nhận rõ vị trí thuận lợi của khu vực thôn An Dụ, rất có thể ngay từ thời Mạc và nhất là trong thời Lê - Trịnh, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã sử dụng hệ thống cảng bến này thành cảng cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát và phục vụ, dịch vụ cho tầu thuyền và các hoạt động thương mại của người nước ngoài. Tư liệu tuy chưa khai thác và tập hợp được đầy đủ, nhưng cho đến nay cũng có thêm cơ sở để tin rằng chiếc neo thuyền đặt ở phía dưới cửa sông (cũng là ở phiá dưới và gần liền với toạ độ 20 độ 45 phút) trong bản đồ Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII là một chỉ dẫn về vị trí chính xác của các bến ốc và Tháp Giang thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa[23].
Hiện vật khai quật ở khu Đa Chợ
Đối diện với làng An Dụ ở biên kia sông Thái Bình là thôn Râu xã Giang Biên huyện Vĩnh Bảo. Thôn Râu có chợ Râu là một chợ phiên lớn nhất và nổi tiếng nhất của toàn khu vực phía Bắc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Các phiên chợ này đã đi vào ca dao:
“Một Râu, hai Mét, ba Ngà,
Tư Cầu, năm Táng, sáu đà lại Râu.
Tám Ngà, bảy Mét chín Cầu,
Trên đất thôn Râu, ngay sát đê sông Thái Bình - nghĩa là đối diện với khu cảng/ bến An Dụ ở bờ phía Đông xưa có một ngôi chùa mang tên “Phúc Linh” vốn là một ngôi chùa lớn và rất linh thiêng. Dân làng cho biết ngày xưa người buôn neo thuyền dưới sông Thái Bình rồi lên chùa này cầu cúng rất đông. Ngôi chùa đã bị phá huỷ từ thời Pháp, nhưng vẫn còn lại một gian nhỏ và khu nền cũ. Vị trí này hoàn toàn đúng với vị trí của ngôi chùa với chữ “Pagode” được vẽ trên bản đồ Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII.
Thông qua việc sơ bộ tập hợp và phân tích tư liệu bản đồ và thư tịch cổ phương Tây cùng với việc tiến hành khảo sát thực địa, khai quật thăm dò, chúng ta đã có cơ sở bước đầu để xác định dòng kênh (hay dòng sông) được người phương Tây mệnh danh là Domea tương đương với dòng sông Thái Bình hiện nay; bến thuyền và đầu mỏm đất hình quả xoài nằm chắn ngang cửa sông ở toạ độ 20 độ 45 phút, mang dòng chữ Domea không thể nằm ngoài khu vực bến sông và đê cát cổ là khu dân cư và cánh đồng thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Hy vọng rồi đây chúng tôi sẽ có cơ hội được hợp tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và trên thế giới tổ chức các cuộc điều tra nghiên cứu quy mô trên mặt đất và nhất là trong lòng đất để có thể xác định vị trí chính xác của cảng/ bến, thị trấn Domea và phục dựng được một cách tương đối đầy đủ và khách quan hình ảnh của một cảng cửa khẩu quốc tế đã mất.
Điều chúng tôi muốn được giải thích thêm là dòng chính sông Thái Bình chia dòng ở ngay phía dưới Cống Rỗ hiện nay, bao lấy toàn bộ các mặt Bắc và Đông xã Khởi Nghĩa, đổ vào sông Lôi, đầm Lôi ở thị trấn Tiên Lãng, rồi chẩy tiếp theo hướng Đông Nam đến xã Bạch Đằng thì chia ra làm nhiều nhánh. Có nhánh lại đổ về phía Tây hoà vào dòng chính sông Thái Bình, còn nhánh chính tiếp tục theo hướng đông “chẩy ra cửa Văn Úc”[25]. Nhân dân địa phương gọi dòng sông cổ chẩy từ Phú Kê (thị trấn Tiên Lãng) qua Hoàng Lồ đến khu vực Minh Thị và nhập vào cửa sông Văn úc này là sông Lôi. Sông Lôi nối liền “đầu Mè” với “đuôi úc” và chia huyện Tiên Lãng ra thành hai phần. Chắc hẳn hồi thế kỷ XVII nước sông Lôi cũng đã cạn nhiều, không đủ độ sâu và cửa sông có nhiều dải cát chắn ngang nên thuyền bè lớn không qua lại được. Các bản đồ sông Đàng Ngoài của người Anh và người Hà Lan dường như không có bản đồ nào thể hiện nhánh sông này. Tuy thế, vết tích của một khu chợ, bến thuyền, các sản phẩm buôn bán trong nước và nước ngoài tại Minh Thị (xã Toàn Thắng) và Đầm Lôi (thị trấn Tiên Lãng) trong khoảng các thế kỷ XVI, XVII, XVIII cũng xác nhận vị trí của nó trong hệ thống các cảng, bến ở vùng cửa sông Đàng Ngoài [26].
Thuyền buôn phương Tây vào cửa sông Đàng Ngoài đều men theo đường bờ biển phía Đồ Sơn đến bên ngoài cửa Văn úc rồi mới vào cửa sông Thái Bình, trong đó có nhiều thuyền đã dừng lại lấy nước ngọt ở phía trong cửa Văn úc. Sông Văn Úc từ sau khi sông Mới được đào thông (năm 1936), sông Đò Mè bị lấp, sông Thái Bình bị thu hẹp dòng, chắc chắn mới phá ra thành sông lớn như hiện nay. Tuy thế, theo nghiên cứu gần đây của Trần Đức Thạnh và nhóm chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường thì ở vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII sông Văn úc cũng nối thông với sông Thái Bình và sông Luộc gần giống như ngày nay. Các tác giả cho rằng: “Sông Mới được đào vào năm 1936, nhưng trước đó nó vốn là một nhánh sông tự nhiên nối sông Luộc với sông Văn Úc, rồi sau đó bị tàn lấp” [27]. Nếu điều này là chính xác thì hoàn toàn có thể giải thích nhánh phía Đông trên bản đồ sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII là đoạn sông Mới (khi chưa bị lấp) và hạ lưu sông Văn Úc (lúc chưa bị phá dòng).
Đến đây, có thể hình dung được trên đại thể ba nhánh sông lớn trên bản đồ khu vực hạ lưu sông Đàng Ngoài là các dòng sông Hoá ở phía Tây, sông Văn Úc ở phía Đông và dòng chính sông Thái Bình ở giữa. Dòng chính sông Thái Bình cũng đồng thời là dòng chính sông Đàng Ngoài, nơi tầu thuyền phương Tây thường qua lại, nơi có cảng cửa khẩu Domea nổi tiếng nằm ở đầu đê cát cổ, phía bờ bên trái, ngay bên dưới cửa sông nếu xuôi dòng về phía hạ lưu[28].
. Hạ lưu sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Bản đồ của công ty Đông Ấn Hà Lan | |
. Hạ lưu sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Bản đồ của công ty Đông Ấn Anh | |
Khu vực hạ lưu sông Thái Bình ngày nayIII. Mấy nét về chức năng và vai trò của Domea trong hệ thống thương mại đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII |
Để tìm hiểu về chức năng và vai trò của Domea, theo chúng tôi, nguồn tư liệu khách quan và xác thực nhất cũng vẫn là ghi chép của William Dampier trong cuốn sách Du hành và khám phá (năm 1688): “Sau khi đã ngược lên độ 5 hay 6 lý (24-29 km) vào bên trong sông, chúng tôi đi qua một làng tên là Domea. Đây là một làng rất đẹp và là làng lớn đáng kể đầu tiên chúng tôi thấy trong thời gian ở bên bờ con sông này. Nó ở bên phải sông khi ngược dòng và nằm gần sông đến nỗi đôi khi nước thuỷ triều ngập sát tường nhà vì ở đây nước sông lên và rút xuống chênh nhau đến 9 hay 10 bộ (2,7-3,0 m). Thôn này có khoảng 100 nóc nhà. Những tầu buôn Hà Lan đến đây buôn bán bao giờ cũng đậu ở trên sông trước thị trấn này. Những thuỷ thủ Hà Lan hàng năm đến đây từ Batavia là những bằng hữu rất thân thiết của dân trong xứ và họ cảm thấy tự do y như sống ở nhà riêng của họ vậy. Người dân Đàng Ngoài nhìn chung lịch thiệp, nhất là những thương nhân và người nghèo. Người Hà Lan đã dạy dân địa phương các kỹ năng làm vườn và nhờ đó họ có rất nhiều rau để làm món sa lát trộn. Không kể đến các món khác thì đây là một món ăn mát ruột cho ngời Hà Lan lúc họ đến nơi.
Tuy rằng tầu bè Hà Lan đến giao dịch với vương quốc này không vào sâu quá Domea, nhưng người Anh có thói quen đi xa thêm gần 3 dặm (gần 4,8 km) nữa trước khi thả neo trong thời gian lưu lại xứ này. Chúng tôi cũng làm như thế. Sau khi đã đi qua Domea, chúng tôi đến buông neo cách một quãng xa bằng ấy. Nước thuỷ triều ở đây không mạnh bằng ở Domea. Chúng tôi buông neo và không thấy một ngôi nhà nào ở gần đấy. Nhưng tầu của chúng tôi chưa đậu được bao lâu thì dân chúng các làng xung quanh kéo đến và dựng lên những khu nhà theo kiểu của họ. Chỉ trong vòng một tháng là một thị trấn nhỏ gần ngay nơi chúng tôi thả neo đã hiện ra. Điều này chẳng có gì là lạ ở khắp miền Đông ấn, nhất là ở những nơi tầu bè phải neo đậu lại lâu dài. Cư dân nghèo trong xứ lợi dụng dịp này để kiếm chác thêm bất kỳ những gì có thể từ đám thuỷ thủ nước ngoài bằng cách trao đổi, cho thuê phòng, xin xỏ và thậm chí là đem phụ nữ ra cho thuê”[29]. William Dampier còn khẳng định trong thực tế: “hầu hết các tầu thuyền châu Âu đến Đàng Ngoài đi theo con sông Domea vì nó sâu” [30].
Trước William Dampier, đã có nhiều người Anh đến neo tầu và buôn bán ở Domea. Theo tài liệu của công ty Đông ấn Anh do Anthony Farrington ở Thư viện Anh (Luân Đôn) sưu tập được thì lần đầu tiên, vào sáng ngày 27 tháng 6 năm 1672 tầu Zant của người Anh đến đậu ở Domea để chờ một viên quan đại diện cho vua Đàng Ngoài tên là Ungja Thay bố trí cho tàu được ngược lên Phố Hiến và Kẻ Chợ. Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 năm 1672 đến cuối tháng 8 năm 1683 có ít nhất khoảng 30 chuyến tầu cập bến, rời bến và hoạt động ở khu vực bến cảng Domea. Cũng theo tài liệu của William Dampier thì trước người Anh, người Hà Lan đã có mặt ở Domea với số lượng tầu nhiều và giữ vai trò như những người chủ thực sự ở bến cảng này. Tuy không nhắc đến Domea trong nhật ký của mình, nhưng chắc hẳn tầu Grol - tầu đầu tiên của công ty Đông ấn Hà Lan do thuyền trưởng Karel Hartsinck chỉ huy vào năm 1637 theo đường sông Đàng Ngoài ngược lên đến Kẻ Chợ đã từng dừng lại ở đây[31].
Đến năm 1778, Abbé Richard khẳng định lại và bổ sung thêm: Thuỷ thủ nước ngoài thả neo ở Domea và “chỉ có ở nơi này họ mới được phép đặt cơ sở để tiến hành buôn bán” [32].
Ghi chép của William Dampier và nhật ký của các tầu buôn Hà Lan Anh thường nhắc đến việc họ đến Domea đều bị “các nhân viên của vua Đàng Ngoài” hay các quan tuần hà đến kiểm tra, kiểm soát tầu thuyền và hàng hoá. Có thể hình dung Domea là nơi hải quan của chúa Trịnh làm thủ tục cần thiết cho tầu vào và tầu ra. Cũng tương tự như cấu trúc đô thị cổ Hội An và Phố Hiến, khu vực hành chính, kiểm tra, kiểm soát tầu thuyền qua lại ở đây được đặt tách hẳn ra một cồn cát cao bên bờ sông phía ngoài bến cảng. Đó là vùng Sở Cao với các địa danh Đồng Quan, Cống Phủ... Trong Nhật ký hành trình của chiếc tầu buôn Grol của Công ty Đông Ấn Hà Lan có nhắc đến việc họ được tiếp đón trọng thể ở dinh quan Trấn Hải. Chúng tôi đoán rằng có nhiều khả năng dinh quan Trấn Hải là thuộc khu vực Sở Cao.
Vì là nơi tầu vào, tầu ra cho nên Domea không thể không là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán và trao đổi hàng hoá. Nhật ký tầu Grol cho biết người Hà Lan đã tranh thủ trao đổi buôn bán hàng hoá ngay từ khi mới đến vùng cửa sông. Theo ghi chép của người Anh thì ngày 16 tháng 10 năm 1672 có 3 chiếc tầu của người Hà Lan trong đó 2 chiếc đã xuất bến, còn 1 chiếc - như vị thuyền trưởng và người trợ lý cho biết thì họ sẽ ở lại Domea cho đến sau Nô- en để nhận những hàng hoá chưa mua được. Ngày 13 tháng 2 năm 1676, người Hà Lan xuống Domea để gửi thuyền hàng thứ hai đến Batavia và đóng hàng tơ sống (raw silk), pilangs, baas, chemonges... đi Nhật Bản. William Dampier cho hay rằng chỉ sau một tháng tầu của họ bỏ neo mà đã xuất hiện cả một thị trấn của những người buôn bán và phục vụ, dịch vụ bao quanh đó. Hiện tượng có quá nhiều các mảnh gốm thương mại, tiền, sành, sứ ở An Dụ, ở khu vực Quý Cao, dọc theo các dải sông Hoá, sông Luộc, sông Thái Bình và Văn Úc... có niên đại các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, đã góp phần xác nhận, nơi đây, ở vào thời kỳ này đã diễn ra các hoạt động buôn bán trao đổi nhộn nhịp, trong đó có cả quan hệ thương mại với người Hà Lan và phương Tây.
Hoạt động buôn bán trao đổi hàng hoá và phục vụ, dịch vụ, đặc biệt đối với các thuyền buôn và thương nhân phương Tây đã dần dần biến Domea thành một khu vực trù phú, một cảng cửa khẩu quốc tế thực thụ và sôi động, đứng thứ ba ở Đàng Ngoài sau Thăng Long- Kẻ Chợ (nội thành Hà Nội) và Phố Hiến (thị xã Hưng Yên). William Dampier (năm 1688) có lúc gọi đây là làng - một làng đáng kể hay là một làng ấn tượng hơn cả tính từ ngoài cửa biển vào với khoảng 100 nóc nhà. Tuy nhiên nhiều lúc ông lại gọi đây là thị trấn - một thị trấn hết sức đặc biệt vì có nhiều người Hà Lan sinh sống. Abbé Richard khoảng 90 năm sau (năm 1778) thì gọi đây là một thành phố, nhưng chỉ là một thành phố nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với thành phố hạng hai ở Đàng Ngoài là Phố Hiến. Khái niệm thành phố (City), thị trấn (Town) mà William Dampier và Abbé Richard đưa ra theo chúng tôi, cần phải được đặt trong điều kiện của thế kỷ XVII, XVIII và nên được hiểu một cách hết sức tương đối. Cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu khác, chúng tôi cho rằng trong mô tả và ghi chép của các thương nhân phương Tây có phần nhấn hơi quá mức độ sầm uất của Domea (kể cả Thăng Long, Phố Hiến và nhiều đô thị phương Đông khác). Tuy vậy không thể chỉ căn cứ vào một loại tư liệu nào mà giản đơn khẳng định hay phủ định chức năng, vai trò của Domea. Domea theo quan niệm của chúng tôi tuy chưa phải là thành phố, cảng thị hay đô thị, nhưng là một cảng cửa khẩu của toàn bộ hệ thống thương mại trên sông Đàng Ngoài. Không thể coi đây chỉ thuần tuý là một bến đỗ, không có hoạt động trao đổi hàng hoá, vì trong thực tế cảng cửa khẩu Domea tồn tại hàng thế kỷ liên tục và đã từng có những thời kỳ nhộn nhịp với các hoạt động thương mại, đóng vai trò là cảng cửa khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của toàn bộ vùng Đàng Ngoài.
*
* *
Cần phải có các công trình nghiên cứu thật công phu thì mới có thể lý giải được các hiện tượng hết sức độc đáo của vùng cửa sông Thái Bình như hiện tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ “ngồi nhà xem thuỷ triều lên xuống mà biết hết chuyện xưa nay” (Tĩnh quan trào tịch hậu, thuỷ đắc cổ kim tình); hiện tượng ra đời của nhà Mạc với kinh đô Dương Kinh và cái nhìn hướng biển; hiện tượng xuất hiện và lụi tàn của Domea... Sự xuất hiện và lụi tàn của cảng cửa khẩu Domea là một vấn đề cần phải được quan tâm trong lịch sử ngoại thương, lịch sử đô thị, lịch sử quan hệ quốc tế của Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII. Nó cũng là một điểm chốt để tìm hiểu vai trò của công ty Đông ấn Hà Lan cũng như mối quan hệ của Hà Lan với Đàng Ngoài các thế kỷ này. Chúng tôi hy vọng rồi đây kho tư liệu VOC được khai thác một cách bài bản; công việc tìm kiếm tư liệu ở trong sách vở, trong dân gian, trên mặt đất và nhất là trong lòng đất các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ, thị xã Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng), các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) được tiến hành đồng bộ trong một dự án tổng thể, chắc chắn chúng ta sẽ nhận diện được một cách đầy đủ và chính xác về một cảng cửa khẩu Domea trong lịch sử. Tuy chưa tìm ra được mối liên hệ trực tiếp, nhưng chúng tôi vẫn thực tin về một quá trình vận động, biến đổi và phát triển của khu vực cửa sông Thái Bình, bắt đầu từ Cổ Trai - Dương Kinh của nhà Mạc thế kỷ XVI đến cảng cửa khẩu nổi tiếng Domea thế kỷ XVII- XVIII và đến thành phố cảng Hải Phòng từ thế kỷ XIX cho đến nay. Trong lịch sử phát triển của khu vực cửa sông Thái Bình, Domea vì thế phải được xem là tiền thân của thành phố cảng Hải Phòng.
----------------------------------------------
[1] Các nhà nghiên cứu xưa nay vẫn thường sử dụng tấm bản đồ Carte du Cours de la Rivere Tunquin depuis Cacho jusqu’a la Mer. Đây chỉ là bản sao có được chỉnh trang, vẽ thêm hướng Đông Tây Nam Bắc (nhưng không chính xác) và chuyển ngữ các chú thích từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Chúng tôi sử dụng tấm bản đồ Plan of Tonquin River from Cacho to the Sea, được vẽ bởi một nhà hàng hải Anh và được M.Bellin xuất bản (Petit Atlas Maritime Tom III N.53) lưu trữ tại Thư viên Anh (Luân Đôn): No 180 Tonquin River (Song Koi) North Vietnam//D 179 Sep 19 (Map collections, British Library).
[2] Thậm chí có cuốn sách vừa mới xuất bản năm 2006 cũng vẫn còn chú thích tấm bản đồ này là: “Red River from its mouth to Thăng Long, 1771” (Sông Hồng, từ cửa sông đến Thăng Long, 1771). Tham khảo: George Dutton: The Tây Sơn Uprising, Society and Rebellion in Eighteenth-century Vietnam, 2006 Univerrsity of Hawaii Press, p 225.
3. Tham khảo: Anthony Farrington: English East India Company Documents Relating Pho Hien and Tonkin trong Pho Hien, The Centre of International Commerce in the XVIIth-XVIIIth Centuries, The Gioi Publishers, Hanoi, 1994, p 151.
[4] Đại Nam nhất thống chí, TIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr 327.
[5] Thí dụ tấm bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ vẽ năm 1838 cũng cho phép hình dung về sông Đàng Ngoài không khác bản đồ của Công ty Đông Ấn Hà Lan....[6] Gutzlaff: Geography of the Cochinchina Empire, Journal of Royal Geographical Society, London, V.19-1849.
[7] Có thể nhận ra một cách chính xác nhiều vị trí đặc biệt được thể hiện trên bản đồ sông Đàng Ngoài như nhánh sông được chú thích “sông Rockbok” (sông Độc Bộ) là đoạn sông Châu Giang nhận nước sông Hồng đổ vào sông Đáy; nhánh phía được chú thích: “dòng sông nước chẩy xiết” (very rapid river) là đoạn tiếp theo của sông Hồng. Đoạn sông chảy ngang từ Tây sang Đông quanh co với nhiều khúc uốn chính là dòng sông Luộc với ngã ba sông ở gần hạ lưu là cửa sông Hoá ở đối diện với thị trấn Ninh Giang hiện nay và đoạn cuối là Quý Cao. Đoạn sông cong hình chữ U là đoạn sông nằm giữa Ninh Giang và Quý Cao, mà lòng chữ U ôm lấy làng Hữu Trung xã Hà Thanh huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), đáy chữ U là làng Cung Chúc, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Cung Chúc có tên Nôm là làng Bến (bến sông Luộc), ruộng ít mà xấu, phát triển nghề buôn và có đình Cung Chúc (ở ngay cạnh bến sông) là di tích kiến trúc nghệ thuật rất nổi tiếng.
[8] Tại cửa sông Văn Úc xưa có chùa Đại Minh (chùa đã bị hỏng, nay được dựng lại trên vị trí khác). Phía trước cửa chùa (cũ) là đồn 42, bộ đội Biên phòng Hải Phòng (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ), vẫn còn giếng nước hình tròn, đường kính 2,25 m đáy lát gỗ, xây gạch cổ, được nhân dân địa phương truyền tụng là giếng nước tốt nhất trong vùng. Xưa tầu thuyền qua lại cửa sông Văn Úc thường đến lấy nước ở giếng chùa Đại Minh. Tại Đoàn Xá còn có 2 giếng nước ngọt cổ giống như thế nhưng nước không được tốt bằng. Nếu khảo sát toàn bộ các xã Đoàn Xá, Đại Hợp (huyện Kiến Thuỵ), Bàng La (thị xã Đồ Sơn), chắc sẽ còn tìm thấy nhiều giếng nước tương tự. Chúng tôi tin giếng nước ngọt được đánh dấu và chú thích “Bay where there is a good well of fresh water” trên bản đồ sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII có thể là một trong những giếng nước như thế này.
[9] William Dampier: Voyages and Discoveries, The Argonaut Press, London, 1931, p.14-15. Bản dịch William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006, tr 32, 33.
[10] Richard: History of Tonquin (From the French of Richard, Paris 17878, 2 vols, 12 mo) A General Collection of the Best and Most Interesting Voyages and Travels in all Parts of the World, By John Pinkerton, London, 1811, tr 715.
[11] Egon Klemp: Asia in Maps from ancient times to the mid-19th century, Leipzig, 1989.
[12] Thực ra câu này có khá nhiều dị bản, nhưng chúng tôi tin như đã trình bày, vì tương tự như ở đây, thế đất của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cũng được giải thích là “Đầu Trắm đuôi Mè, giữa khe Tam Lạng”.
[13] Cũng tương tự như đoạn sông Hồng (được chú thích là “very rapid river”) và đoạn sông Châu Giang (được chú thích là “R.Rockbok”) ở khu vực Phố Hiến.
[14] Gần đây Nguyễn Văn Kim có viết bài Vị trí của Phố Hiến và Domea trong hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII- XVIII (tư liệu lịch sử, điều tra điền dã và khảo cổ học) đăng trong Văn hoá phương truyền thống và hội nhập, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, trang 363- 382 và trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 372 (4-2007), trang 20- 34, quan niệm “độ trù mật cao của những địa danh cổ và các vết tích thương mại xuất lộ trên mặt đất” là lý do chủ yếu để đoán định cảng Domea ở khu vực nông trường Quý Cao. Thật ra đây không phải là ý kiến mới. Trước Nguyễn Văn Kim 15 năm, trong Hội thảo khoa học quốc tế về “Đô thị cổ phố Hiến”, chúng tôi cũng đã từng dự đoán Domea nằm ở khu vực Đại Điền - Quý Cao (xem Nguyễn Thừa Hỷ: “Sông Đàng Ngoài” và Domea, một đô thị cổ đã biến mất?, Tạp chí Xưa Nay số 4 (05), 7, 1994, tr 25). Phải 10 năm tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, mãi đến năm 2002, chúng tôi mới có dịp được đính chính lại một nhận xét chưa thật chính xác của mình. Trước sau chúng tôi vẫn quan niệm địa danh Domea (hay Domee, Dome, Domay) được người phương Tây đặt là dựa theo hay phiên ra từ chữ Đò Mè. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa sông Đò Mè phải là sông Domea và bến Đò Mè phải là cảng Domea. Bởi vì Domea chỉ xuất hiện trong các tài liệu phương Tây, nên nhà nghiên cứu cần tìm đọc và phân tích cho thật thấu đáo các nguồn thư tịch cổ và bản đồ cổ phương Tây trước khi chỉ định các địa điểm khảo sát thực địa.[15] Trên cơ bản hướng chẩy của dòng sông là như vậy, nhưng qua quan sát ảnh vệ tinh và khảo sát thực địa thì dòng chẩy cũng có sự thay đổi ở khu vực cửa sông thuộc xã Giang Biên (Vĩnh Bảo) và khúc cong tương đương với các xã Tam Đa, Lý Học (huyện Vĩnh Bảo) ở bên bờ phía Tây và các xã Kiến Thiết, Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) ở bên bờ phía Đông.
[16] Đại Nam nhất thống chí, T III, Sđd, tr 392. Sách còn cho biết thêm là vào đời Gia Long (đầu thế kỷ XIX) đoạn đê này lại được “quan trấn thủ sai quan sở tại chở đá về đắp thêm, nay rất kiên cố, hàng năm cứ tháng Giêng sai quan đến tế thần” (tr 392).
[17] Xin cám ơn GS Văn Tạo (Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, người vùng Tứ Kỳ, Hải Dương) đã gợi ý và cung cấp cho chúng tôi danh sách các làng “An” ở khu vực giáp giới hai huyện Tứ Kỳ và Tiên Lãng. Ông Ngô Đăng Lợi (Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng) lại lưu ý chúng tôi là ở khu vực này có làng An Mỗ (tổng Đại Công) là làng “Mè”. Theo chúng tôi không chỉ có An Mỗ mà cả chục làng “An” khác đều được quan niệm là “Mè”. Vậy thì An Mỗ phải gọi là làng “An” mới đúng.
[18] Trần Đức Thạnh: Đặc điẻm địa hình và quá trình phát triển vùng đất Hải Phòng, Tham luận tại Hội thảo khoa học về Lịch sử Hải Phòng, Hải Phòng, 2002, tr 22.
Trần Đức Thạnh, Nguyễn Ngọc Thao, Đinh Văn Huy, Trần Văn Điện: Vị trí cảng thị Domea ở khu vực Tiên Lãng (Hải Phòng), Tạp chí Khảo cổ học, 2007.
[20] Dân gian thường nói: “Tiền An Hỗ, cỗ Phú Kê” để nói đây là làng buôn bán giầu có nhất trong vùng. Làng An Hỗ có 4 địa điểm quan trọng đối với người buôn là “Chùa Vàng, cầu Bạc, bến Tháp, đình Ngang”. Chùa Vàng, cầu Bạc là nơi để của; bến Tháp là trung tâm buôn bán; đình Ngang là nơi thờ Đức Ông rất linh thiêng, người buôn bán thường hay đến đó cầu cúng. Gần cầu Bạc, ở đầu làng An Tử (sát liền An Hỗ, cùng xã Khởi Nghĩa) có miếu cổ nằm lẫn trong gốc cây đề cổ thụ, thờ người đi buôn bị đắm thuyền chết. An Hỗ cũng là làng đầu tiên và chủ yếu trên toàn địa bàn huyện Tiên Lãng trồng các loại rau có nguồn gốc phương Tây như bắp cải, su hào, súp lơ, xà lách… Truyền thống này có thể được mở đầu bằng việc học tập kinh nghiệm trồng trọt của người Hà Lan và phục vụ trước hết cho chính các thuỷ thủ Hà Lan như ghi chép của William Dampier về làng Domea hồi cuối thế kỷ XVII.
[21] Chủ trì đào thám sát là PGS.TS Hán Văn Khẩn, PGS.TS Hoàng Văn Khoán và chuyên gia Khảo cổ học Nguyễn Chiều.
[22] Đại Việt sử ký toàn thư, T III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 107.
[23] Trên tấm bản đồ Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII của công ty Đông Ấn Anh, vị trí của chiếc neo tầu được đánh dấu ở phía ngoài cửa biển, theo chúng tôi hiện nay vẫn nằm ở sát ngoài cửa sông Thái Bình. Như thế vị trí của hai chiếc neo tầu - một được đánh dấu ở vị trí cửa biển, một được đánh dấu ở cảng Domea - cách nhau khoảng 28 km. Vị trí này trên căn bản là đúng với ghi chép của William Dampier (năm 1688) và Abbé Richard (năm 1778) rằng Domea cách cửa biển khoảng 5-6 lý (khoảng từ 24 đến 29 km).
[24] Tham khảo Nguyễn Quang Ngọc: Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr 54.
[25] Đồng Khánh địa dư chí, Bản dịch Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003, tr 119. Tấm bản đồ phủ Nam Sách cũng vẽ dòng sông này, bắt đầu chia dòng với sông Thái Bình ở tổng Ninh Duy, chẩy qua Đầm Lôi, một nhánh nhập vào sông Thái Bình ở phía Tây tổng Diên Lão, một nhánh chẩy thẳng vào cửa biển Văn Úc ở phía Đông tổng Dương Áo.
[26] Tham khảo: Phạm Quốc Quân, Trần Phương: Dấu tích vật chất khu chợ Minh Thị, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1992, tr 170-172.
[27] Trần Đức Thạnh, Nguyễn Ngọc Thao, Đinh Văn Huy, Trần Văn Điện: Vị trí cảng thị Domea ở khu vực Tiên Lãng (Hải Phòng), Tạp chí Khảo cổ học, 2007.[28] Ngày 25 tháng 6 năm 2007 Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã tổ chức khảo sát dọc tuyến hạ lưu sông Đàng Ngoài, bắt đầu từ làng Bến (thôn Cung Chúc, xã Trung Lập, Vĩnh Bảo) và kết thúc tại thị xã Đồ Sơn. Đoàn gồm có: PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Trương Quang Hải, NCS Trần Thanh Hà, CN Đỗ Kiên, Vũ Đường Luân, Tống Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển); PGS.TS Vũ Văn Phái, PGS.TS Đặng Văn Bào, SV Nguyễn Quang Anh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); nhà Khảo cổ học Nguyễn Chiều, TS Hoàng Anh Tuấn, Ths Nguyễn Ngọc Phúc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), PGS.TS Trần Đức Thạnh, TS Đinh Văn Huy (Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường), ông Ngô Đăng Lợi (Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng), ông Nguyễn Ngọc Thao (Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Thẩm (phòng Văn hoá Thông tin huyện Tiên Lãng). Các thành viên đoàn khảo sát bên cạnh thu thập, thẩm định thông tin, tư liệu, trao đổi về những vấn đề còn vướng mắc, đã tương đối thống nhất với nhau trong xác định các dòng sông cổ, cửa biển cổ và vị trí của Domea.
[29] William Dampier: Voyages and Discoveries, The Argonaut Press, London, 1931, p. 16. Bản dịch William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Sđd, tr 32, 33.
[30] William Dampier: Voyages and Discoveries, The Argonaut Press, London, 1931, p.14-15. Bản dịch William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Sđd, tr 30.
[31] Hẳn là lúc đó (năm 1637) cái tên Domea chưa xuất hiện. Điều đáng tiếc là cho đến nay chúng ta chưa biết được nhiều những tư liệu trực tiếp của thương nhân Hà Lan ghi chép về hoạt động của họ ở Domea. Có thể vì thế chăng mà có tác giả đã hoài nghi vị trí thực sự của Domea, chỉ coi đây là một bến đỗ cho thuỷ thủ lưu trú, nghỉ ngơi, thư dãn, mà không có hoạt động thương mại (Hoàng Anh Tuấn: Hải cảng miền Đông Bắc và hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII (qua các nguồn tư liệu phương Tây), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 370, 2-2007, tr 54-63). Đúng là chúng ta chưa tìm thấy tư liệu về hoạt động mậu dịch xuất nhập khẩu chính thức của người Hà Lan ở Domea, nhưng ở nước ta suốt trong chiều dài lịch sử, kể cả đến thời cận - hiện đại, buôn bán trao đổi dân gian (kể cả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu) nhiều khi lại chiếm vị trí trội vượt. Quy tất cả các hoạt động mua bán trao đổi ở Domea thành “hoạt động mua bán nhỏ lẻ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày” và phủ định giá trị những khảo tả của William Dampier, Abbé Richard, Samuel Baron..., theo chúng tôi, chắc chắn sẽ lại đem đến một nhận thức không đúng khác về Domea. Vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.
[32] Richard: History of Tonquin (From the French of Richard, Paris 1778, 2 vols, 12 mo) A General Collection of the Best and Most Interesting Voyages and Travels in all Parts of the World, By John Pinkerton, London, 1811, tr 715.
Hà Nội, Tháng 8 năm 2007 Bài đã đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử.