Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

LỖ LƯỜNG - LỄ TỤC ĐỘC ĐÁO Ở HÒN ĐỎ


HẠNH NGUYÊN & NGUYỄN MAN NHIÊN


1. Ở Khánh Hòa cách đây hàng trăm năm, nghề đăng xuất hiện cùng bước chân di cư của các ngư dân gốc Bình Định, với các làng chài tiên khởi ở Đầm Môn, Khải Lương nằm trong vịnh Vân Phong, làng Bích Đầm ở phía đông nam đảo Hòn Tre thuộc vịnh Nha Trang và thôn Phường Củi bên ngư cảng Bến Trường Cá sầm uất một thời.
Thời bấy giờ ngư dân dùng thuyền nan, chạy buồm, lưới đan bằng xơ dừa hoặc sợi mấu trên rừng, nghề hạ bạc đầy cực nhọc, nguy hiểm. Trong lúc hành nghề giữa biển khơi bao la hoặc trên các gành đảo xa xôi, ngư dân như những sinh linh nhỏ bé chỉ biết cầu xin chư vị “Thần linh biển cả” phù hộ cho được trúng mùa nhiều cá, bình yên khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi.
Nghề lưới đăng làm theo mùa vụ (mỗi năm chỉ làm một mùa 5 hoặc 6 tháng), hơn nữa do giăng lưới tại sở đầm cố định (chờ cá đến với lưới chứ không phải dùng lưới đi tìm cá), không thể đang giữa mùa di chuyển đến nơi khác (vì đầm nào cũng có chủ) nên tính may rủi là rất lớn. Nếu lâu ngày không đạt năng suất đánh bắt, “biển đói” người cũng đói, không có tiền đóng thuế, trả công thợ bạn... vì thế ngư dân đặt hết hy vọng vào sự phù hộ độ trì của các vị “Thần linh biển cả”, việc thờ phụng cúng kiếng từ khi dọn nghề đến ngày mãn mùa cá là vấn đề cực kỳ hệ trọng. Đó là các lễ cúng Ráp Xương Quẹo, cúng Tổ Nghề, cúng Tết Thuyền, cúng Khai Sơn Khai Lạch, cúng Kết Gang, cúng Ra Mắt, cúng Cầu Ngư, cúng Mừng Rau, cúng Tạ, tục thờ Lỗ Lường, tục thờ Bà Chúa Đảo…
Ngoài những lệ cúng chung như các nghề biển khác, nhiều đầm đăng trong tỉnh Khánh Hoà còn có tục thờ cúng Lỗ Lường hay Bà Lường, tương tự tục thờ sinh thực khí - một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại trong nền văn minh Việt cổ nói riêng và trong nhiều nền văn minh cổ đại ở vùng Nam Á và Đông Nam Á nói chung.
Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Lê Quang Nghiêm trong tác phẩm “Tục thờ cúng của ngư phủ lưới đăng Khánh Hòa” xuất bản năm 1970, ngày xưa ngư dân lưới đăng đi đánh cá ở các gành đảo có tục thờ cúng một số khe đá tự nhiên gọi là khe Bà Lường hoặc Lỗ Lường gần nơi kết gang lưới. Tại chỗ có khe đá, người ta cất một cái miễu nhỏ giống như cái thủ kỳ để thờ Bà Lường. Trong miễu người ta đặt vài ba “bộ đồ” - là những khúc gỗ sơn đỏ tạc hình dương vật. Nhiều ngày gặp lúc nước chảy xiết hoặc cá không chạy, tức là không đánh được cá, người đại diện đầm đăng hoặc ông Chèo dọc phải khăn áo chỉnh tề vào hang cúng bánh trái, chè xôi rồi cầm “bộ đồ” chọt vào khe Bà Lường mấy cái. Nhiều lần, sau nghi thức này, dân đã đánh được cá.
Nhiều sở đầm trong tỉnh Khánh Hoà trước đây có tục thờ cúng Lỗ Lường như đầm Nghi Phong Diêu Chữ tục gọi Bãi Dầm (thuộc huyện Vạn Ninh), đầm Hòn Đỏ (huyện Ninh Hòa), Hòn Một (TP. Nha Trang), Hòn Nhàn (TP. Cam Ranh).
Theo chúng tôi, tục thờ cúng Lỗ Lường của ngư dân lưới đăng Khánh Hòa có lẽ chịu ảnh hưởng từ tục thờ linga - yoni, một biểu tượng phổ biến trong các công trình kiến trúc tôn giáo của người Chăm xưa theo đạo Bà-la-môn. “Bộ đồ” thực chất là hình ảnh tượng trưng của linga, tức dương vật. Lỗ Lường thực chất là hình ảnh tượng trưng của yoni, tức âm vật.
Ta cũng biết trước khi thuộc chủ quyền của người Việt, dải đồng bằng ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay vốn là địa bàn sinh tụ lâu đời của dân tộc Chăm. Vùng Vạn Ninh, Ninh Hoà xưa có câu tục ngữ “Gió Tu Hoa, cọp Ổ Gà, ma Hòn Lớn”. Theo các bô lão kể lại, đảo Hòn Lớn (nằm trong vịnh Vân Phong) ngày xưa nổi tiếng có nhiều “ma Hời” quấy phá, do đó ngư dân lưới đăng có lệ thờ cúng Lỗ Lường từ khi bắt đầu khai thác đầm đăng Bãi Dầm.
Gang lưới sở đầm Bãi Dầm đóng gần một bãi cát ở hướng đông nam đảo gọi là Bãi Nhỏ. Ngay đầu bãi có một cái hang khuất sau một tảng đá, ngoài biển nhìn vào không thấy. Hang này ăn sâu vào núi, rất rộng lớn, chỗ cao trên 2 mét, chỗ thấp đụng đầu người. Trong hang có một miễu thờ Tam giới Hội đồng, Ngũ Hành Thần nữ và Lỗ Lường.
Những vật dụng dùng trong việc thờ cúng Lỗ Lường để trong miễu gồm có:
- 1 bài vị viết bằng chữ Nho đề tên Dương Thị Đĩ Nương Nương.
- 1 mảnh gỗ chạm trổ hình tam giác, ở giữa khoét một lỗ tròn, tượng trưng Lỗ Lường (vì hang này không có tảng đá có kẽ nứt tự nhiên nên ngư dân thay thế bằng hình tượng kể trên).
- 2 “bộ đồ” bằng gỗ, mỗi cái dài 5 tấc, sơn đỏ, đẽo gọt giống như của thật.
Cũng theo lời các lão ngư kể lại, trên đảo Hòn Nhàn ở hướng đông ngoài khơi vùng Bãi Dài thuộc hải phận Cam Ranh, ngày xưa thường xảy ra nhiều hiện tượng ma quái dị thường nên ngư dân lưới đăng hành nghề tại đảo này cũng có lệ thờ cúng Lỗ Lường. Họ lấy nhánh cây lớn bằng bắp tay đẽo gọt một hình dương vật sơn đỏ, để trong miễu thờ Hội Đồng tại gành ở hướng tây nam đảo và chọn một tảng đá có kẽ nứt, hình dáng tương tự âm hộ để làm Lỗ Lường. Khi làm lễ cầu ngư trong mùa cá, ông Chèo dọc vái lạy rồi cầm “bộ đồ” chọt vào Lỗ Lường 3 cái.
Sau này do cá ít, lại ngại vào sát bờ, nên nhiều đầm đăng đã bị bỏ hoang không còn khai thác. Mặt khác, nghề lưới đăng được tổ chức thành tập đoàn rồi hợp tác xã (HTX) với các thế hệ ngư phủ mới, việc cúng kiếng theo cổ lệ tại các sở đầm chỉ còn thực hiện đơn giản. Duy chỉ có sở đầm Hòn Đỏ là còn duy trì lễ tục độc đáo này cho đến ngày nay.
2. Hòn Đỏ, thuộc xã Ninh Phước, là một đảo nhỏ nằm ở phía đông bắc bán đảo Hòn Hèo, ngoài khơi thị xã Ninh Hòa, cách đất liền (Nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin và bờ biển thôn Mỹ Giang) khoảng 10 km, chừng 1 giờ đi đò. Người dân địa phương nói rằng, sở dĩ đảo có tên Hòn Đỏ vì vào đầu mỗi sáng sớm hoặc lúc chiều tà, các khối đá trên đảo thường chuyển từ màu vàng nhạt sang màu đỏ sậm. Đây là một hòn đảo xinh đẹp với những bãi cát trắng hoang sơ, những gành đá thiên tạo muôn màu muôn vẻ, những giếng trữ nước ngọt tự nhiên, những ngôi miễu thờ và những câu chuyện linh thiêng, huyền bí gắn liền với nghề lưới đăng truyền thống.

 
Đảo Hòn Đỏ ngoài khơi hải phận Ninh Hòa (Khánh Hòa), nơi ngư dân lưới đăng có tục thờ cúng Lỗ Lường.
Phía bắc và phía đông đảo là vịnh nước sâu, có nhiều gành đá cao lớn, mang nhiều hình thù, màu sắc thật kỳ vĩ. Phía nam đảo là một mũi đá rất đẹp, có tên là mũi Chầm Vọng. Bên trong mũi Chầm Vọng là một trảng đất nhỏ, tại đây có một hốc đá lớn hình chiếc máng chứa đầy nước ngọt vào mùa mưa, gọi là Giếng Máng. Từ mũi Chầm Vọng đi về hướng tây khoảng 1 km sẽ gặp một bãi cát rộng tên là Bãi Trường, nước biển trong xanh, phẳng lặng. Tại đây có miễu Hội Đồng và hai cái miễu nhỏ thờ Các Bác, ngư dân quen gọi là miễu Cô, miễu Cậu. Phía sau miễu có đường mòn dẫn lên vại thờ Bà Chúa Đảo trên đỉnh núi. Ở hướng đông nam đảo có bãi và gành thấp dần, là nơi đóng lưới đăng của sở đầm Hòn Đỏ (nay thuộc HTX nghề cá Mỹ Giang), đầm đăng duy nhất của thị xã Ninh Hòa.

 
Hướng đông nam đảo là nơi đóng lưới đăng của sở đầm Hòn Đỏ. Trên gành, gần nơi móc gang lưới đăng có hang Lỗ Lường. Cạnh đó có miễu Bà Lường là nơi thờ cúng của ngư dân.

Trên gành từ chỗ móc gang lưới men theo triền núi nghiêng xuống về hướng Tây chừng 80 mét đến một cái hang đá nhỏ, miệng hang rộng trên 2 mét, cao gần 1 mét, sâu hơn 3 mét, ở độ cao cách mặt biển khoảng 15 mét. Đáy hang là một tảng đá thật to, với một kẽ nứt ở giữa giống hình âm vật của người phụ nữ. Thực ra nếu nhìn kỹ, đây không phải là khe đá bị nứt mà là sự sắp xếp tự nhiên của hai khối đá nằm liền kề nhau tạo thành khe rãnh. Hai đầu khe rãnh hẹp khít rồi mở rộng dần ở giữa, nơi rộng nhất cỡ chừng một gang tay. Nếu đứng cách xa khoảng vài ba mét nhìn vào hang, không cần phải là người giàu tưởng tượng ta cũng thấy rõ ràng đây là hình tượng một bộ phận sinh dục nữ đầy đặn, tròn trịa và thật cân đối, quả là một tuyệt tác của Tạo Hóa!
Đã bao đời nay, ngư dân lưới đăng trên đảo xem tảng đá có khe nứt nói trên là hiện thân bộ phận kín của thần linh mà họ gọi trại đi một cách tôn kính là Lỗ Lường hay Khe Bà Lường, còn cái hang có tảng đá đặc biệt này gọi là hang Lỗ Lường.

Đáy hang là tảng đá lớn với khe nứt ở giữa giống hình âm vật của người phụ nữ, mà ngư dân gọi trại đi một cách tôn kính là Lỗ Lường.

Ngày xưa, ngư dân dùng vôi trắng bôi quanh khoảng khe rộng. Ngày nay, ngư dân dùng sơn đỏ bôi lên và viền màu vàng xung quanh như muốn tô điểm cho rõ ràng hơn. Phía trên bờ mô cao nhất của tảng đá có một bệ thờ nhỏ bằng xi măng. Bên cạnh bệ thờ là 5 thanh gỗ tròn to bằng bắp tay, dài từ 2 đến 3 tấc, sơn đỏ, tạc hình dương vật - ngư dân gọi trại là “bộ đồ”. Trước đây các thanh này được thờ trong miễu Bà Lường, khi hành lễ mới thỉnh ra hang Lỗ Lường. Ngày nay, các thanh này được đặt luôn tại bệ thờ trong hang để tiện cúng tế. Điều đáng chú ý là 5 “bộ đồ” được đẽo gọt theo những kiểu dáng và kích cỡ khác nhau, dường như để những người đến cúng tùy theo tuổi tác mà chọn lựa cho phù hợp.

Bên cạnh bệ thờ trong hang là 5 thanh gỗ tạc hình dương vật - còn gọi là “bộ đồ” - dùng vào việc cúng lễ.

Cách hang Lỗ Lường khoảng chục mét có miễu Bà Lường. Miễu nằm trên gành đá cách mặt biển khoảng 20 mét, ngay trước mặt đầm đăng. Nguyên trước đây ngư dân dựng miễu bằng ván gỗ, mái lợp tôn, trong miễu có thờ chân dung Bà Lường vẽ trên tấm vải trắng, dung mạo phúc hậu, mặc triều phục xưa, tay phải cầm quạt, đầu đội vương miện, ngồi trong tư thế trang nghiêm, hai bên có ghi tước hiệu bằng chữ Hán: Nương Nương Chi Thần (bên trái) và Chúa Xứ Long Thần (bên phải). Do lâu ngày bị hư hỏng đổ nát, năm 1989 ngư dân Hòn Đỏ trùng tu lại miễu bằng vật liệu bền chắc, quét vôi, mái lợp ngói, bên trong có xây bệ thờ. Đến năm 2005, ngư dân làm lễ thỉnh tượng Bà bằng gốm sứ và cặp ngựa hồng đứng chầu hai bên về đặt trong miễu để thờ thay cho hình vẽ.
Hàng trăm năm qua, ngư dân lưới đăng sở đầm Hòn Đỏ thờ cúng Bà Lường tại miễu và hang Lỗ Lường, vì “lệ xưa ông bà” để lại và cũng vì lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự linh ứng sau những buổi lễ cầu ngư. Theo lời các cụ cao niên kể lại, trước đây vào những ngày “biển đói”, người đại diện đầm đăng hoặc ông Chèo dọc phải khăn áo chỉnh tề vào hang cúng bánh trái, chè xôi rồi cầm “bộ đồ” chọt vào khe Bà Lường 3 cái. Nhiều lần sau nghi thức này, dân đã đánh được cá.
Ngày nay, vào những dịp cúng Xuân và cúng Thu ở đình làng Mỹ Giang, sau khi cúng ở đình xong, Ban tế lễ và bà con ngư dân lên thuyền ra đảo, mang theo lễ vật cúng tại miễu Hội Đồng, miễu Các Bác, miễu Bà Lường và hang Lỗ Lường. Sau khi cúng ở miễu xong, người chủ tế ra hang Lỗ Lường van vái, khấn nguyện rồi kính cẩn dùng thanh dương vật chọt vào khe Bà Lường 9 cái. Đây là động tác nghi lễ tượng trưng cho sự giao phối, dâng hiến để Bà vui lòng, thoả mãn, ban cho ngư dân ước nguyện “biển no”, trúng mùa nhiều cá.
Tháng Giêng âm lịch khi mới ra quân xuống lưới cũng như đến ngày mãn mùa cá, sở đầm đăng đều làm lễ cúng Bà. Ngày xưa họ làm gà quay hoặc gỏi cá, cúng xong để nguyên lễ vật tại hang. Ngày nay họ cúng heo, gà, cá, hoa quả, bánh trái các loại... Cúng xong, ngư dân thụ lộc tại chỗ và có thể mang về, không kiêng kỵ như xưa.

Những ngày “biển đói”, người đại diện đầm đăng hoặc ông Chèo dọc đến hang Lỗ Lường van vái cầu xin.

Khấn vái xong, ông Chèo dọc cầm “bộ đồ” chọt vào khe Lỗ Lường 9 cái, tượng trưng động tác giao phối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...