Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Vụ án báo chí đã làm thay đổi tình hình báo chí Việt Nam thời thuộc địa


Đặng Thị Vân Chi  ( biên soạn và giới thiệu).
Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Ngày 6/6/1884, Triều đình Huế ký bản Hiệp ước Patenotre chính thức thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Viêt Nam. Theo điều ước này, Việt Nam bị chia thành 3 vùng với 3 chế độ chính trị khác nhau. Năm 1887, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương gồm Việt Nam và và Campuchia. năm 1899 Lào được sát nhập vào Liên bang Đông Dương. Về thể chế chính trị ở Đông Dương có 3 loại hình: thuộc địa ( Nam kì), Bảo hộ ( Bắc kì, Trung kì, Campuchia và Lào), lãnh địa thuê ( Quảng Châu loan). Tuy nhiên toàn bộ Đông Dương được đặt trong phạm trù thuộc địa, thuộc Bộ Hải quân và  Thuộc địa. Năm 1894, khi Bộ Thuộc địa được thành lập, Đông Dương thuộc Bộ Thuộc địa. Việt Nam bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Năm 1881, Luật Báo chí được ban hành ngày 29/7 . Theo các điều 5,6,7 của đạo luật này thì báo chí dù xuất bản bằng tiếng Pháp hay tiếng bản xứ đều tự do, ( không cần xin phép trước, không phải nộp tiền kí quỹ) ngoài việc viên quản lý báo có quốc tịch Pháp và đã thành niên. Điều 10 của đạo luật này cũng cho phép áp dụng đạo luật này tại chính quốc và các xứ thuộc địa như Angieri và Nam kì.
Ngày 30/12/1898, Toàn Quyền Đông Dương ra Sắc lệnh báo chí buộc tất cả các báo Tiếng Việt, tiếng Hoa và các tiếng khác phải có giấy phép trước khi xuất bản và chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của bộ máy chính quyền (*)
Dưới đây là một bài báo đăng trên báo Việt báo . Bài báo này đã tường thuật lại một vụ án báo chí đã làm thay đổi tình hình báo chí Việt Nam trong những năm 1936-1939. Nhờ sự kiện này, báo chí ở Sài Gòn được xuất bản tự do, đây là cơ hội cho báo chí của Đảng Cộng sản được phát hành công khai. Số tờ báo được phát hành trong thời kì này tăng lên so với trước. Theo Lịch sử báo chí của Đỗ Quang Hưng (CB) thì tới năm 1936 có 180 tờ báo mới ra đời, cùng với khoảng 30 tờ báo có từ trước tiếp tục xuất bản thì năm 1936 có tất cả 210 tờ báo. Cuối năm 1936 tăng lên 277 tờ, năm 1937 là 289 tờ, và năm 1938 là 308 tờ. Nhiều tờ báo của Đảng Cộng sản được phát hành công khai trong thời kì này đã góp phần tạo nên phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh , một bước chuẩn bị quan trọng cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Dưới đây là toàn văn bài báo .
Đứng về mặt pháp luật các báo quốc ngữ ở Nam Kì đã được tự do xuất bản.
Sau khi tòa thượng thẩm tha bổng ông Cendrieux, chủ nhiệm báo Dân quyền:


Sáng thứ ba Tòa phúc án Sài gòn đã tuyên án về vụ báo Dân quyền và ông Cendrieux, chủ nhân của báo ấy được trắng án.Vụ án Dân quyền chắc bạn đọc vẫn còn nhớ, vì bản báo cũng như các báo hàng ngày đã tường thuật khi vụ ấy đem ra xử tại Tòa tiểu hình.

Tờ báo Dân quyền của ông Cendrieux bị thu giấy phép. Song ông không chịu thôi, ông cứ mạnh dạn cho báo xuất bản như thường. Sở Mật thám hay tin ấy liền tới thu hết tờ báo mà ông Cendrieux đã in ra sau khi bị cấm.
Ông Cendrieux bị quan Biện lý truy tố. Năm ngóai, vụ án Dân quyền đã đem ra xử ởtại Tòa Tiểu hình.
Trạng sư Couget bênh vực cho bị cáo nhân cãi rằng thân chủ của ông đã đứng trong phạm vi luật pháp mà cho xuất bản tờ Dân quyền. Theo đạo luật 1881 về báo chí thì muốn xuất bản một tờ báo khỏi phải xin phép trước, chỉ cần khai với Tòa án trước 24 giờ, Đạo luật ấy cũng có khoản nói rằng cho đem thi hành ở thuộc địa.
Song ở Đông Dương, chính phủ có ra Đạo sắc lệnh năm 1898 buộc báo chí quốc ngữ trước khi xuất bản phải xin phép trước. Báo chí quốc ngữ bấy lâu đều theo sắc lệnh ấy.
Song một Đạo sắc lệnh không thể ngăn cản được một đạo luật, tòa Phá án bên Pháp đã công nhận điều ấy trong vụ án về tờ báo Opinion ở Madagascar, chủ nhiệm tờ báo này đã in một tờ phụ trương bằng tiếng bản xứ và bị truy tố tại Tòa án ở Madagascar. Ông ấy bị án và chống sang Tòa Phá án thì tòa này bác bản án đã xử ở Madagascar. Vậy là ông chủ nhiệm báo Opinion kia có quyền ra báo bằng chữ bản xứ và chỉ theo luật năm 1881 mà không Đạo sắc lệnh nào cản trở được.
Trạng sư Couget đem những luật chứng trên này ra mà bênh vực cho báo Dân quyền.
Thế rồi, Tòa Tiểu hình hoãn đến 5, 6 lần mới tuyên án phạt ông Cendrieux 25 quan tiền phạt vạ.
Ông chủ nhiệm báo Dân quyền chống án lên Tòa Phúc án thì phiên tòa bữa qua do ông Larrigues làm Chánh án và ông Vidil ngồi ghế Chưởng lý đã cho ông Cendrieux được trắng án.
Vụ án Dân quyền rất quan trong cho sự tự do ngôn luận ở xứ Nam kỳ.
Ai cũng phải trú ( chú) ý đến vì nó sẽ giải quyết vấn đề: báo chí thuộc địa có được hưởng đạo luật 1881 không?
Tòa Phá án cho ông Cendrieux trắng án tức là đã công nhận rằng đạo sắc lệnh 1898 không có hiệu lực ở xứ thuộc địa, nó không ngăn cản được đạo luật 1881. Pháp luật đã cho báo Dân quyền là vô tội, tức là đã công nhận cái nguyên tắc: bất kì tờ báo nào xuất bản ở Nam Kỳ đều được hưởng đạo luật 1881.
Đối với vụ án này anh em làng báo nghĩ sao? Chúng ta có nên hưởng cái quyền mà chúng ta được hưởng? Cái quyền mà bấy lâu chúng ta nhầm tưởng là chúng ta không có.
* Xem thêm ở đây. http://chuyencuachi.blogspot.com/2011/06/bao-chi-viet-nam-thoi-thuoc-ia-nhan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...