Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội


Hôm trước, nhận được tin nhắn của anh Phương- Họa sĩ Bùi Thanh Phương mời " tới dự Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội ...", tôi đã nhắn trả lời anh là " Em sẽ đến..." :). và chiều nay dù đang bận trong giai đoạn nước rút, ngồi máy đến cứng cả lưng tôi cũng đã đến được nơi tổ chức Lễ trao giải thưởng, sau khi đi vòng một đoạn đưởng vì không biết số 79 Lý Thường Kiệt ở đầu nào gần ga hay gần Nhà hát lớn? ( Hihi, cái việc không thuộc đường chỉ là cái ngu của tôi thôi, không liên quan gì tới Tình yêu Hà Nội đâu nhé:))
Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội là giải thưởng thuộc lĩnh vực văn hóa Nghệ thuật, được thành lập vào năm 2008 theo sáng kiến của gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao văn hóa ( TTX Việt Nam). Đây là một giải thưởng nhằm tôn vinh sự nghiệp của danh họa Bùi Xuân Phái đồng thời như một cố gắng tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông với các thế hệ mai sau. Giải thưởng này gồm :
I Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội dành cho các tác giả có nhiều đóng góp cho Hà Nội trong suốt sự nghiệp của mình
2. Giải về tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội dành cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật có ý nghĩa tôn vinh Hà Nội và có chất lượng nghệ thuật cao
3. Giải về ý tưởng-Vì tình yêu Hà Nội dành cho các ý tưởng, đề xuất độc đáo, có ý nghĩa sâu rộng đối với Hà Nội và có tính khả thi cao 
4. Giải việc làm-Vì tình yêu Hà Nội dành cho các hoạt động hoặc việc làm có giái trị , gắn bó với các mặt đời sống người Hà Nội, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Lễ trao giải năm là lần thứ 4 giải thưởng được trao cho các nhân và nhóm tác giả thể hiện tình yêu Hà Nội qua các tác phẩm ý tưởng và việc làm của mình.
Tới dự Lễ trao giải năm nay có đại diện của UBND TP Hà Nội: Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Tổng Giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái; Tổng biên tập Báo Thể thao & Văn hóa Trương Lê Kim Hoa; bà Nguyễn Thị Sính vợ của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái cùng con trai - họa sĩ Bùi Thanh Phương, nhà thơ Bằng Việt- Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hà Nội, GS Phan Huy Lê,  Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Hà Đình Đức...là những nhân vật chính của buổi lễ... và đông đảo  đại diện các báo và đặc biệt là rất nhiều người đẹp...:)
 Giải thưởng lớn- Vì tình yêu Hà Nội năm nay được trao tặng cho GS  Phan Huy Lê vì những đóng góp suốt đời của ông đối với Lịch sử, văn hóa Thăng Long Hà Nội:  Chủ biên Hồ sơ đăng ký di sản thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng long, đồng thời chủ trì nhiều Hội thảo lớn về Thăng Long-Hà Nội, chủ biên Bách khoa thư Hà Nội, Lich sử Hà Nội, Địa bạ Hà Nội, đặc biệt là bộ " Lịch sử Thăng Long Hà Nội...Ông cũng là người duy nhất được đề cử ở hạng mục này. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch HĐGK cho rằng  với những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp của mình, và những đóng góp của riêng Ông cho Hà Nội, GS Phan Huy Lê rất xứng đáng với Giải thưởng lớn.
             Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Giải thưởng lớn cho  GS Phan Huy Lê 

 Giải về tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Họa sĩ Vương Văn Thạo  với các tác phẩm trong dự án “Hóa thạch sống” của họa sĩ Vương Văn Thạo vì đã tôn vinh được các giá trị của Thăng Long – Hà Nội bằng các sáng tạo độc đáo có giá trị mỹ thuật cao.
                  Họa sĩ Vương Văn Thạo nhận Giải tác phẩm từ nhà thơ Bằng Việt - 

Giải Ý tưởng – Vì Tình yêu Hà Nội được trao cho ý tưởng tổ chức và các đồ án xuất sắc trong Cuộc thi thiết kế "Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa (ĐH Hawaii, Hoa Kì), Trung tâm hỗ trợ và phát triển cộng đồng Lạc Việt và Ashui.com, cùng các tác giả dự thi. Vì đã đưa ra các ý tưởng và giải pháp có tính khả thi cao, được cộng đồng ủng hộ để phát huy giá trị của Công viên Thống Nhất.
Bà Trương Lê Kim Hoa - Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa (đứng giữa) trao giải cho nhóm tác giả "Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” 
Giải Việc làm – Vì Tình yêu Hà Nội được trao cho Tập thể các nhà khoa học và quản lý đã chăm sóc, cứu chữa rùa Hồ Gươm, vì đã có những biện pháp mạnh dạn, kịp thời, khoa học và hiệu quả trong việc bảo vệ "linh vật sống" của Thủ đô.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái (đứng giữa) trao giải Việc làm – Vì Tình yêu Hà Nội được trao cho Tập thể các nhà khoa học và quản lý đã chăm sóc, cứu chữa rùa Hồ Gươm 

Được đến với buổi lễ trao giải này cũng như dự buổi triển lãm tranh Bùi Xuân Phái nhân dịp sinh nhật Ông năm ngoái, trước hết có lẽ phải cảm ơn facebook:) Nhờ có FB tôi đã được làm quen với anh Bùi Thanh Phương, được ngắm các bức tranh của danh họa huyền thoại Bùi Xuân Phái. Từ nhỏ tôi đã được nghe nhắc đến tranh " phố Phái" qua câu chuyện của các bạn bè của mẹ, những nghệ sĩ Hà Nội mà nhiều người còn nhớ nhờ những bộ phim của họ như diễn viên- đạo diện Đức Hoàn ( người đóng vai Mỵ trong phim Vợ chồng A phủ), người bạn thân từ thưở thiếu thời của mẹ tôi, đạo diễn Phạm Văn Khoa ( đạo diễn bộ phim " Làng Vũ đại ngày ấy...), rồi sau này tiếp tục được nghe nhắc  đến trong những cuốn truyện về Hà Nội…Nhưng quả thực tôi chưa bao giờ được biết đến những bức tranh của ông. Nhờ FB, nhờ anh Bùi Thanh Phương tôi đã được chiêm ngưỡng tranh của ông bắt đầu  từ những bức ảnh trong blog cho đến ngắm trực tiếp những bức tranh trưng bày trong căn phòng tại nhà riêng của ông nơi trước đây ông đã dồn tâm sức cho những bức tranh của mình.. Tôi đã đi từ ngạc nhiên đến thán phục màu sắc trong các bức tranh, ngưỡng mộ nét vẽ tài hoa của họa sĩ khi mô tả độ láng bóng của con đường trong mưa… và cũng khâm phục những cố gắng của anh Phương trong việc đưa tranh của Bùi Xuân Phái đến với đông đảo mọi người, nối kết tình yêu Hà Nội của ông với những người dân Hà Nội  và những người yêu Hà Nội dù họ đang ở bất cứ đâu.. Tôi biết tôi đã may mắn biết chừng nào. 

GS Phan Huy Lê tặng gia đình Họa sĩ Bùi Xuân Phái, công trình khoa học của mình
GS Phan Huy Lê phát biểu cảm tưởng


Cám ơn anh Phương,  cám ơn anh đã nhớ đến em, đã dành cho em tặng phẩm vô cùng quý giá đó là bức tranh của Họa sĩ Bùi Xuân Phái và đặc biệt là những quyển sách về Bùi Xuân Phái “ Viết dưới ánh đèn dầu”, Bùi Xuân Phái- tâm tư nghệ thuật”, “ Bùi Xuân Phái trong mắt con trai”… Cám ơn anh rất nhiều.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Vai trò của nữ nhà báo Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc


Đặng Thị Vân Chi**
Bài đăng Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội số 2/2011



Bài đăng Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội số 2/2011
Tóm tắt Bằng các tư liệu lịch sử,  báo cáo làm rõ vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nữ nhà báo trong quá trình  tiếp biến văn hóa  dưới ảnh hưởng của tiếp xúc văn hóa Đông-Tây đầu thế kỷ XX. Từ rất sớm, cùng với sự ra đời của nền báo chí Việt Nam, phụ nữ đã tham gia viết báo, làm báo, góp phần  vừa duy trì và  bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam, vừa tiếp thu , tiếp biến các tinh hoa văn hóa thế giới như tinh thần  tự do, dân chủ, vì quyền phụ nữ, nhằm xây dựng mẫu người phụ nữ lý tưởng phù hợp với thời đại mới. Hiện nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập toàn cầu,  việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đứng trước những thách thức to lớn, các nữ nhà báo lại tiếp tục  phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc. Họ lên tiếng cảnh báo việc xâm phạm, phá hoại di sản, phê phán những biến tướng của các hoạt động văn hóa…Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, những bài báo của họ thực sự đã đóng góp hiệu quả cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.


      Văn hóa là một khái niệm được giới nghiên cứu khá quan tâm trong những năm gần đây. Người ta có thể thống kê hàng trăm định nghĩa về văn hóa tùy theo cách tiếp cận vấn đề. Nhìn chung lại, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng: văn hóa là tất cả những sáng tạo hữu thức của một cộng đồng người vì mục đích tồn tại và phát triển[1], còn nhà văn hóa Phan Ngọc lại nhấn mạnh văn hóa như một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của cá nhân hay tộc người khác”[2](1), hoặc cụ thể hơn như định nghĩa của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [3]. Những giá trị văn hóa được lựa chọn, chấp nhận, được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành những di sản văn hóa của dân tộc. Phụ nữ với tư cách là một nửa xã hội do đó cũng là chủ thể của văn hóa, là người sáng tạo, tiếp biến và bảo lưu các di sản văn hóa của dân tộc.
      Đầu thế kỷ XX, ngay từ khi nền báo chí Việt Nam mới ra đời, cũng như trong suốt thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến nay, những phụ nữ trí thức- những nữ nhà báo Việt Nam đã  sử dụng báo chí như một phương tiện hiệu quả, góp phần giữ gìn, phát triển và  phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
1. Phụ nữ Việt Nam - người sáng tạo và bảo lưu các giá trị văn hóa trong lịch sử
       Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, phụ nữ không chỉ là những người sáng tạo văn hóa mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống.
      Là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, người Việt chọn việc trồng lúa nước làm ngành kinh tế chủ đạo. Các truyền thuyết dân gian về “bà mẹ lúa” cùng với tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần còn khá phổ biến cho tới tận ngày nay đã phản ánh công lao của phụ nữ trong việc phát minh ra nghề nông cũng như vai trò quan trọng của họ trong sản xuất nông nghiệp.
       Trong điều kiện nam giới thường xuyên phải vắng nhà để làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc cũng như đắp đê làm thủy lợi - một nhân tố hằng xuyên trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc,  phụ nữ trong nhiều thời kỳ đã trở thành lực lượng lao động chính trong gia đình và xã hội. Sự bấp bênh của nguồn thu từ nông nghiệp do ảnh hưởng của điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, đã buộc người nông dân Việt Nam phải làm thêm nhiều nghề phụ và phát triển buôn bán nhỏ để đảm bảo cuộc sống. Những công việc này phần lớn cũng do phụ nữ đảm nhiệm. Các thương nhân và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam vào thế kỉ XVI, XVII, XVIII đều có chung nhận xét là phụ nữ Việt Nam rất đảm đang. Họ tham gia vào mọi hoạt động sản xuất cũng như hoạt động buôn bán trong xã hội. Ví dụ như Jean Koffler - một giáo sĩ Tiệp Khắc đến Đàng Trong từ năm 1740 đến 1755 đã nhận xét: “Họ (phụ nữ) rất khéo léo trong việc dệt vải bông và lụa. Họ cũng nhuộm những thứ này thành nhiều màu khác nhau. Họ cũng rất khéo trong việc làm bánh và mứt kẹo… Phụ nữ trồng thuốc lá, trồng bông, phụ nữ buôn bán ở chợ hay cửa hiệu của người ngoại quốc” [4]. Hay như John Barrow- người đã từng sống ở Việt Nam nhiều năm và am hiểu khá tường tận về Việt Nam cũng viết: “Phụ nữ ở đây rất hoạt động, họ trông coi việc làm nhà, chỉ đạo lò gốm, chèo thuyền mang hàng ra chợ bán, bật bông, kéo sợi, dệt vải. May vá quần áo” [4]. Trong ca dao cũng có nhiều câu phản ánh sự đảm đang tần tảo của phụ nữ Việt Nam. Không những thế nhiều phụ nữ còn được tôn làm tổ nghề của nhiều nghề thủ công truyền thống như: bà chúa Chuốt, bà chúa Sành trong nghề làm gốm, bà chúa Dệt… trong nghề dệt lụa, dệt lĩnh…
        Như vậy, do những điều kiện tự nhiên, đặc điểm về kinh tế và xã hội, phụ nữ Việt Nam dù muốn hay không cũng đã là những người có vai trò to lớn trong nền sản xuất xã hội cũng như kinh tế gia đình và do đó, họ cũng chính là những người tạo ra các sản phẩm văn hóa.
        Trong quá trình lao động, sản xuất, phụ nữ cũng là đồng tác giả của kho tàng văn hóa dân gian. Chắc chắn không ai có thể phủ nhận đóng góp của phụ nữ trong việc đúc kết những kinh nghiệm sản xuất, triết lý sống, những nhận thức về thế giới tự nhiên và quy luật xã hội được thể hiện qua các câu ca dao tục ngữ. Giáo sư Trần Quốc Vượng khi còn sinh thời đã từng thán phục: chỉ có những người mẹ, bằng sự tinh tế và từng trải của mình mới có thể dạy con một cách sâu sắc như:
“Con ơi, nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”
        Phụ nữ cũng là người sáng tác, người biểu diễn của loại hình âm nhạc dân gian “Hát đối đáp”, “hát giao duyên” phổ biến khắp các vùng miền trong cả nước. Đó là các lối hát Đúm ở vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng), hát Xoan vùng Phú Thọ, hát dân ca quan họ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh), hát Dặm Nghệ Tĩnh... Trong lối hát giao duyên này, rõ ràng phụ nữ là đồng tác giả của những lời ca, điệu nhạc... Ở vùng đồng bằng Nam bộ, các câu hò, điệu hát ru phần lớn đều được phụ nữ thể hiện. Hát Ca trù- loại hình nghệ thuật gần đây vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cũng có đóng góp to lớn của những nữ nghệ sĩ.
       Trong một quốc gia mà chữ viết không được sử dụng rộng rãi trong nhân dân, người phụ nữ, với tư cách là người bà, người mẹ trong gia đình, những người trực tiếp nuôi dưỡng và giáo dục con cái, bằng những điệu hát ru con, những câu chuyện kể, những lời dạy dỗ hàng ngày về  lối sống có đạo lý,  về kinh nghiệm sản xuất ... đã có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc.
       Đầu thế kỷ XX, khi đánh giá về vai trò của người phụ nữ, các trí thức cả Nho học lẫn Tây học đều khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc bảo lưu các giá trị truyền thống qua việc giáo dục con cái. Nguyễn Bá Học cho rằng “ Đàn bà là chủ trong gia đình, đứng vào địa vị gia sư cho con trẻ’’. Hơn thế nữa, ông đã tuyệt đối hoá vai trò và trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình của phụ nữ Việt Nam khi cho rằng “tính nết con hay, dở đều nằm trong tay người đàn bà’’(2). Ông cũng cho rằng bản chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam mang tính phổ biến. Họ luôn dạy con lối sống minh triết: trung thực, lễ nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” và có hiếu với cha mẹ, do đó “chưa hề thấy một người đàn bà dù ngu hèn thế nào mà dung cho con ăn gian nói dối, thứ cho con chửi chú đánh anh’’. Chính vì thế mà phụ nữ Việt Nam “đời nào cũng sản xuất ra những kẻ tuấn tài hào kiệt’’.
         Như vậy, bất chấp ảnh hưởng suốt hàng nghìn năm của tư tưởng phong kiến, xã hội Việt Nam vẫn phải ghi nhận công lao to lớn của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội không chỉ trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa mà trong cả việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
2. Sự hình thành đội ngũ nữ nhà báo và vai trò của họ trong việc bảo tồn và tiếp biến văn hóa trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa Đông -Tây thời cận đại
        Cuối thế kỷ XIX, trước sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây, Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Dưới tác động của hai cuộc khai thác thuộc địa của Pháp(3), Việt Nam có sự thay đổi trên tất cả các mặt: xã hội, kinh tế và văn hóa. Đặc biệt chính sách văn hóa, giáo dục của Pháp cũng đã tạo nên một tầng lớp thanh niên trí thức chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Năm 1942, Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã viết: “Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu ghét giận hờn nhât nhất như ngày trước” [5].
        Trong bối cảnh của tiếp xúc văn hóa Đông - Tây, những trí thức Việt Nam đã phải đứng trước sự lựa chọn - một quá trình tiếp biến văn hóa: từ bỏ di sản nào và tiếp thu cái mới gì để có thể giành lại vị thế độc lập cho dân tộc Việt Nam và đưa Việt Nam hòa nhập vào thế giới hiện đại.
2.1. Giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam
        Lần đầu tiên báo chí xuất hiện ở Việt Nam(4) và nhanh chóng được các trí thức Việt Nam sử dụng như một công cụ để truyền bá văn hóa, tư tưởng với nhận thức “muốn cho nước nhà độc lập thì phải gây cái hồn nước độc lập cho quốc dân”(5) “Hồn nước độc lập” này phải chăng là sự kết hợp hài hòa giữa việc giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam - một di sản văn hóa phi vât thể với việc tiếp thu những tư tưởng mới, tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.            
         Cũng từ đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên phụ nữ được đến trường học tập. Từ 178 học sinh của trường nữ học đầu tiên ở Bắc Kỳ, trường Brieux, (cũng là trường nữ học đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương), khai giảng ngày 6/1/1908 tại Hà Nội, đến năm 1930-1931, số nữ sinh là 38.984 người (trên tổng số 292.694 học sinh) và năm 1940-1941 tổng số nữ sinh đã lên tới 85.447 người (trong đó ở Bắc Kỳ có 24.658 người, Trung Kỳ có 15.436 người và Nam Kỳ có 43.353 người)(6).
         Ngay trong  những năm đầu thế kỷ XX này,  phụ nữ cũng đã bắt đầu tham gia làm báo, viết báo. Sự xuất hiện của các tờ báo phụ nữ cũng như chuyên mục phụ nữ trên các tờ báo là kết quả của sự du nhập những tư tưởng dân chủ phương tây và phong trào nữ quyền thế giới, do đó nội dung của các tờ nữ báo và chuyên mục phụ nữ này chủ yếu thảo luận về các vấn đề của phụ nữ. Số phụ nữ làm báo thời kỳ này không nhiều và họ thường chỉ tập trung vào những vấn đề có liên quan đến phụ nữ.
       Tờ báo phụ nữ đầu tiên, tờ Nữ giới chung xuất bản số đầu  ngày 1 tháng  2 năm 1918 do bà Sương Nguyệt Anh(7) làm chủ bút phản ánh sự trăn trở của phụ nữ trước vấn đề tiếp thu những tư tưởng mới - tư tưởng dân chủ, nữ quyền... với việc bảo lưu những giá trị đạo đức truyền thống trước sự xâm nhập của văn hóa phương Tây vào mọi mặt đời sống của phụ nữ. Trên tờ báo này, bên cạnh những bài tranh luận thế nào là nữ quyền, bình đẳng nam nữ, bà Sương Nguyệt Anh còn viết nhiều bài thơ khích lệ tinh thần yêu nước bằng việc nêu lại những tấm gương sáng về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của những nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu...
“Dấu thơm, Trưng, Triệu còn để lại
                             Gương cũ soi chung vẫn chửa lòa [Nữ giới chung-26/4/1918]
        Bà Đạm phương nữ sử(8) cũng tham gia viết báo từ khá sớm. Bà là một trong những tác giả chính trên mục “Nhời đàn bà” của tờ Trung- Bắc tân văn và là người chịu trách nhiệm mục “văn chương nữ giới” trên tạp chí Hữu thanh cùng  Phan Thị Lạng. Những bài viết của bà một mặt khuyến khích phụ nữ học tập, học nghề để tham gia công việc xã hội, mặt khác vẫn đề cao việc giữ gìn  truyền thống của phụ nữ là đảm đang việc gia đình và nuôi dạy con cái.
        Sang những năm 1930, cùng với sự phát triển của phong trào phụ nữ thế giới, sự lớn mạnh và ngày càng có vai trò trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của tầng lớp tư sản và trí thức tiểu tư sản thành thị, đặc biệt sự hình thành đội ngũ nữ trí thức ngày càng đông đảo, dòng báo phụ nữ đã ra đời(9) với sự tham gia của nhiều phụ nữ trí thức xuất bản báo, viết báo, khởi xướng các phong trào phụ nữ. Đó là chủ nhiệm các tờ báo phụ nữ như bà Nguyễn Đức Nhuận (báo Phụ nữ tân văn), bà Lê Thành Tường (báo Phụ nữ tân tiến), bà Thụy An (báo Đàn bà mới, Đàn bà), bà Nguyễn Thanh Tú (báo Phụ nữ)... và các nữ phóng viên như Nguyễn Thị Kiêm, Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê Thị Huỳnh Lan, Phan Thị Nga, Trần Thị Hường, Thu Vân, Mộng Tuyết, Huỳnh Thị Bảo Hòa...
         Các nhà báo của Phụ nữ tân văn cũng quan tâm đến việc duy trì và bảo lưu một lối sống minh triết đã trở thành di sản văn hóa dân tộc: “ thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm là rách”-  phát triển thành truyền thống nhân đạo Việt Nam- qua việc đứng ra tổ chức Hội Dục Anh(10) nhằm giúp đỡ những trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo; vận động lập Viện tế bần(11) giúp những gia đình nghèo thất nghiệp; tổ chức Cuộc đấu xảo mỹ nghệ phụ nữ tại Huế đêm 22 tháng 12 năm 1931(12), Chợ đêm ở Sài Gòn  đêm 7/11 năm 1931, đặc biệt Hội chợ phụ nữ ở Sài Gòn từ ngày 4/5/1932 đến ngày 8/5/1932. Bên cạnh mục đích  quảng bá cho các sản phẩm văn hóa của phụ nữ, khuyến khích phụ nữ gìn giữ và phát triển nghệ thuật ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm thủ công truyền thống và quan trọng hơn là để giúp nó khỏi “thất truyền đi nữa” [Phụ nữ tân văn - 7/4/1932], các cuộc hội chợ này còn được tổ chức để lấy tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt ở Nghệ Tĩnh, giúp cho Hội Dục Anh phát triển. Hội chợ không chỉ bày bán và giới thiệu các sản phẩm thủ công của phụ nữ mà các nữ nhà báo, nữ trí thức còn đứng ra diễn thuyết về các vấn đề: phụ nữ với Hội Dục anh (bài diễn thuyết của cô Ngọc Thanh tối ngày 4/5/1932) tuyên truyền vận động phụ nữ tham gia các hoạt động từ thiện; Nữ lưu với văn học của nhà báo nữ Nguyễn Thị Kiêm (tối ngày 5/5/1932), Phụ nữ với thể dục của cô Bùi Thị Út (tối ngày 6/5/1932) và Phụ nữ giải phóng của bà Phan Văn Gia (tối ngày 8/5/1932)...
        Ngay từ khi mới ra đời, Đảng cộng sản Việt Nam cũng rất quan tâm tới vai trò của báo chí trong công cuộc vận động cách mạng. Nhiều phụ nữ trí thức cách mạng cũng tham gia viết báo vận động phụ nữ phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Thị Như Mân, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị Thu... Những nữ nhà báo cách mạng không chỉ viết bài trên các tờ báo cách mạng mà còn viết bài cho nhiều tờ báo công khai, khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc... Những nữ nhà báo như Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Thu,... cùng với Ban biên tập tờ báo Tin tức, báo Lao động đã hướng dẫn phụ nữ, sát cánh bên họ trong cuộc Vận động Đông Dương Đại Hội những năm 1936-1939, tổ chức vận động phụ nữ tham gia phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ và cải thiện đời sống... cũng như tham gia các hội cứu quốc trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
2.2. Xây dựng hình ảnh người phụ nữ lý tưởng - quá trình tiếp biến văn hóa: vừa bảo lưu có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống vừa tiếp thu những thành tựu của văn minh phương Tây
       Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực trong việc tiếp thu những tư tưởng dân chủ, nữ quyền và giải phóng phụ nữ, một hệ quả tất yếu của tiếp xúc văn hoá Đông - Tây và ảnh hưởng của văn minh kỹ thuật tư bản là những thay đổi trong đời sống xã hội đô thị và trong đời sống của  phụ nữ. Đó là sự xuất hiện của tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản thành thị - vợ con các công chức làm việc cho chính quyền thực dân, những người làm các công việc dịch vụ, đặc biệt là sự xuất hiện của những cô  “gái mới”... mà ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã đe dọa sự vững chắc của gia đình với các “hệ giá trị” mà có nhà nghiên cứu đã gọi là một “minh triết trong bản sắc dân tộc Việt Nam(13). Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cũng làm lung lay những quy tắc đạo đức Nho giáo từng tồn tại hàng nghìn năm vốn được coi là những giá trị văn hóa truyền thống trong nhận thức của nhiều trí thức lúc bấy giờ.
        Trên báo chí, nhiều tác giả đã bày tỏ thái độ phê phán những thay đổi của phụ nữ thành thị và phụ nữ tân học, những người tiếp thu nhanh nhất văn hoá phương Tây dưới nhiều hình thức: các bài luận văn, truyện ngắn, các bức thư... như Gái đời nay [Nam phong-7/1929] và Nợ duyên trong mộng [Nam phong-8/1929] của tác giả Vân Hương, Giấc chiêm bao của người thiếu nữ [Nam phong-12/ 1927]...
Dưới con mắt phê phán của các tác giả này thì ngoài phụ nữ lao động ở thôn quê ra, hầu hết phụ nữ đô thị đều không xứng đáng là “vợ hiền dâu thảo”. Với quan niệm cùng với việc học tập phải trau dồi đức hạnh, và công việc chính của người phụ nữ là chăm sóc gia đình, họ cho rằng phụ nữ “dẫu hay chữ”mà không thạo việc gia đình, sành việc nội trợ” “cũng vất đi. Các tác giả cũng phê phán các cô gái tân học nhiễm cái lối “tây quá”, “quá ư văn minh”, “quá ư tự do” [Nam phong - 7/1929].
        Chính vì vậy, hình ảnh các cô “gái mới”, “gái tân thời”, “tân nữ lưu” thường bị phê phán gay gắt. Họ thường bị coi là một lớp người điển hình cho sự suy đồi phong hoá, là kết quả của phong trào phụ nữ giải phóng. Do đó, nhiều người đã lấy họ làm lý do để phê phán phong trào nữ quyền dưới danh nghĩa bảo vệ phong hoá. Ví dụ, trong bài Đạo đức luận [Nam phong-3/1919] Phạm Quỳnh lo lắng “ngày nay người đàn bà không phải là người chủ trì gia đạo, coi sóc việc nhà mà thành vật trang hoàng, phô bày nơi đàng điếm, cũng có khi làm cái đại giá để mua chuộc mối lợi quyền - Gia đình đã hỏng thì xã hội vững sao được”. Theo một số tác giả, nếu không học theo mới đến nơi đến chốn được thì tốt nhất là hãy giữ lấy cái thuần phong mỹ tục của ta [Công luận-1/4/1927].         
        Vì vậy, việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ lý tưởng cho phụ nữ noi theo là một vấn đề được dư luận khá quan tâm và là một trong những chủ đề chính của các tờ báo phụ nữ, cũng như trên các bài báo của các nữ nhà báo.
        Cuộc thi Kiều nên khen hay nên chêCuộc thi văn chương phụ nữ đức hạnh do báo Phụ nữ tân văn tổ chức đã cho thấy vào thời kì trước năm 1929, hình ảnh người phụ nữ lý tưởng theo quan niệm Nho giáo với đủ “tam tòng”, “tứ đức” vẫn chiếm ưu thế(14)
        Đến giữa thập niên 30, phong trào nữ quyền trên thế giới phát triển mạnh mẽ ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam đang có nhiều biến chuyển. Trình độ của phụ nữ được nâng cao đã khiến cho dư luận xã hội và giới báo chí phải nhìn nhận lại hình ảnh người phụ nữ lý tưởng, một sự đánh giá lại thế nào là “gái cũ” và “gái mới”. Các tờ báo phụ nữ đều mong muốn đưa ra một hình ảnh về người phụ nữ lý tưởng có thể dung hoà được những truyền thống tốt của phụ nữ phương Đông với tinh hoa của văn minh phương Tây(15).  Các bài báo này đã cố gắng phân biệt loại “gái mới” vỏ và “gái mới” thật sự, không coi tất cả các cô  “gái mới” đều  đáng bị phê phán. Văn Tâm ở báo Đông Pháp cho rằng một người đàn bà mới phải vừa là một người vợ đảm đang trong gia đình, vừa là một người hoạt động ngoài xã hội [Đàn bà mới-24/8/1936]. Theo tác giả, người đàn bà mới “Trước khi nhận ra nhiệm vụ của mình trong xã hội... cần phải hiểu mình có sống. Đó là bổn phận trọng yếu nhất: bổn phận làm người. Người “đàn bà mới” thật sự cũng không thua các chị em xưa về sự quán xuyến trong gia đình. Hơn nữa người “đàn bà mới” biết trông xa, hiểu rộng, rõ địa vị trách nhiệm mình trong xã hội” [Đàn bà mới-24/8/1936].       
       Sự kiện cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Nam Phương Hoàng hậu được coi là kết quả vẻ vang của bạn tân nữ lưu- những cô gái có học thuật cao nhưng vẫn giữ được “tư cách con nhà Hồng Lạc”. Tú Hoa cho rằng: nếu cô Lan không phải là một cô gái tân thời, có đi học Tây, hấp thụ cái không khí văn minh, thâu thái được cái tinh thần châu Âu và nhất là không được tự do giao thiệp thì chưa chắc ngôi hoàng hậu đã dành sẵn cho cô. Điều này càng khẳng định xu thế hiện nay ngay cả phụ nữ cũng không thể không chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây. Do đó, “Chị em nên ráng học, học cao chừng nào, hay chừng ấy và dù học cao đến đâu cũng ráng giữ được cái tinh thần của người dân Việt Nam” [Hoàn cầu tân văn-12/4/1934].
       Là những nữ trí thức, những người đi đầu trong việc tiếp thu những tư tưởng mới, những nữ nhà báo đã đưa ra các tiêu chuẩn về người phụ nữ lý tưởng trước hết phải là người đàn bà mới thật sự, là người biết kết hợp hài hoà giữa những yêu cầu đạo đức truyền thống “mẹ hiền vợ đảm” với những đòi hỏi của xã hội hiện đại văn minh, của phong trào nữ quyền. Đó là người phụ nữ có nghề nghiệp để có thể tự lập; có học vấn để dạy con theo khoa học; bình đẳng với chồng và tham gia các hoạt động xã hội; biết đứng ra bênh vực quyền lợi cho phụ nữ, dìu dắt, khuyên nhủ, cổ động họ cho được bình đẳng với nam giới, cũng như can thiệp vào việc bất bình đẳng trong xã hội [Phụ nữ tân văn-23/11/1934]. Về mặt hình thức, người “Đàn bà mới” mặc quần áo kiểu tân thời, theo mẫu của nhà thiết kế Lemur, họ cũng phải biết cách trang điểm và có một cơ thể khoẻ mạnh nhờ thường xuyên luyện tập thể thao, tác phong nhanh nhẹn, mạnh dạn trong giao tiếp và cổ động phụ nữ vượt qua các trở ngại như dư luận xã hội và sự ngăn cấm của gia đình. Vì vậy, các trang phụ nữ trên báo chí cũng như các tờ báo dành cho phụ nữ thường không bỏ qua những mục hướng dẫn làm đẹp: cách trang điểm, cách tập luyện để có dáng người đẹp, phụ nữ với thể dục. Có lẽ chính sự cổ động mạnh mẽ phụ nữ thể thao trên báo chí mà trong xã hội Việt Nam đã xuất hiện nhiều nữ vận động viên hoặc các phong trào thể thao như: thi đấu bóng đá nữ, cuộc đua xe đạp, cuộc thi đấu ten nit, cuộc đi bộ của phụ nữ...
3. Nữ nhà báo  với việc bảo vệ và phát huy các giá trị  di sản văn hóa dân tộc trong xu thế Hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay
        Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới thành lập đã đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng một xã hội mới. Từ năm 1943, Trường Chinh, lúc đó là Tổng bí thư của Đảng đã viết bản Đề cương văn hóa Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cách mạng văn hóa ở Việt Nam với 3 nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa; coi cách mạng văn hóa là điều kiện tiên quyết để hoàn thành cách mạng xã hội (“Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội(16));  khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa cách mạng văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ nhằm bảo vệ nền độc lập tự do của tổ quốc. Năm 1948, trong điều kiện cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, những quan điểm cơ bản của Đảng về cách mạng văn hóa trong bản Đề cương văn hóa Việt Nam được khẳng định lại trong “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” [6] và trở thành những quan điểm định hướng cho các họat động trên lĩnh vực văn hóa của  Đảng cộng sản Việt Nam sau này. Đó là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới “tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc. Song đồng thời nó cần sẵn sàng tiếp thu những cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ của văn hóa nước ngoài. Nó không bài ngoại và vị chủng” [6].
         Với tư cách là một công cụ tuyên truyền của Đảng, báo chí Việt Nam rõ ràng đã có những đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay chúng tôi chưa có điều kiện để  khảo sát cụ thể về những đóng góp của các nữ nhà báo trong giai đoạn này, nhưng chúng ta chắc chắn không ai không biết về gương hi sinh của nhà báo Dương Thị Xuân Quý và thế hệ các nữ nhà báo thời kì đó. Điều có thể khẳng định chắc chắn là: để có được nền độc lập tự do như ngày hôm nay trong những đóng góp vô cùng to lớn của phụ nữ Việt Nam có đóng góp quan trọng của các nữ nhà báo.
        Ngày nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực tin học đã làm cho lực lượng sản xuất vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, hiện tượng di dân vì nhiều lý do ngày càng trở nên phổ biến, đường biên giới các quốc gia và khoảng cách địa lý trở nên mờ nhạt, hội nhập và toàn cầu hóa trở thành xu thế tất yếu có tính thời đại.
        Từ tháng 12/1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.  Với phương châm “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ” và “là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị Quyết về hội nhập kinh tế quốc tế ( ngày 27/11/2001) nhằm cụ thể hoá một chủ trương lớn được nêu ra tại Đại hội lần thứ IX của Đảng là: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường”. Hiện nay Việt Nam đã là thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), là thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ( APEC - 11/1998), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM ), của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN- 07/1995)... đặc biệt là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
        Hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội to lớn cho đất nước phát triển, nhưng cũng đồng thời là thách thức lớn. Từ năm 1993- 2010 Việt Nam đã có nhiều di sản được công nhận là di sản thế giới(17). Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung và các di sản thế giới nói riêng là một trách nhiệm lớn lao của toàn xã hội, đặc biệt là báo chí- bộ phận cấu thành của văn hóa,  trực tiếp góp phần bảo tồn, phát triển và giao lưu văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
         Trong thời gian gần đây, trước tình trạng các di sản văn hóa đang bị xâm hại cũng như  chưa được khai thác đúng hướng, báo Thể thao và Văn hóa đã mở “Dự án truyền thông “Báo động từ vốn di sản” (Thể thao và Văn hóa ngày 01/11/2008 ). Mục đích của dự án là:
       “- Thông qua kênh truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm tác động vào nhận thức và ý thức của toàn xã hội về các di sản văn hóa truyền thống. Qua đó giúp mọi người hiểu biết, trân trọng, nâng cao ý thức tự hào và gìn giữ các di sản văn hóa.
        - Tìm kiếm và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.”
        Dự án này dự kiến thực hiện trong ba năm(18), nhấn mạnh đến những giá trị đang nằm trong diện “báo động đỏ”. Triển khai dự án này, chuyên mục “ Báo động từ vốn di sản” trên báo Thể thao và Văn hóa đã có nhiều bài viết giới thiệu những di sản văn hóa dân tộc đang có nguy cơ bị mai một. Nhiều tờ báo khác như báo Nhân dân, báo Việt Nam net, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Luật Pháp cũng có nhiều bài viết về lĩnh vực này.
         Theo  số liệu  của  Nguyễn Thị Kim Cúc(19) hiện là Tổng biên tập Tập san Bút nữ cung cấp thì số nhà báo nữ hiện nay là khoảng 14.000 người chiếm 1/3 tổng số nhà báo đang tác nghiệp trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam.  Thạc sỹ Lê Thị Linh Trang(20) cũng ước tính  số nhà báo nữ chiếm khoảng 30%, đặc biệt  qua quan sát số lượng nữ sinh theo học ngành báo chí của các trường đại học(21), có thể dễ dàng nhận thấy số lượng các nhà báo nữ đang  ngày càng tăng. Nhìn chung, các nhà báo nữ quan tâm đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, tuy nhiên có lẽ do đặc điểm giới tính, chúng tôi nhận thấy các nhà báo nữ thường là những phóng viên phụ trách mảng văn hóa- nghệ thuật trên các tờ báo. Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi trên một số tờ báo lớn như Việt Nam net, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Thể thao và Văn hóa, Lao động, Pháp luật… trong thời gian gần đây, các nữ phóng viên thường đi vào giới thiệu các lễ hội, các di sản văn hóa, đặc biệt đấu tranh bảo tồn các di sản văn hóa. Họ lên tiếng cảnh báo về tình trạng các di sản  văn hóa đang bị đe dọa bởi sự trùng tu, tôn tạo tùy tiện, kém hiểu biết(22),  tình trạng các di sản văn hóa thế giới đang bị tầm thường hóa, làm mất đi những giá trị văn hóa, tính giáo dục bởi những mục tiêu kinh tế(23), các lễ hội truyền thống đang bị du lịch hóa, thương mại hóa(24).
         Nhà báo Ngọc Lan/ Y Nguyên (Báo Thanh Niên) không ngần ngại lên tiếng “Phải đối xử thế nào với di sản văn hóa” (ngày 21/4/2009) trước những điểm chưa được rõ ràng của Luật di sản năm 2001. Nhà báo lo ngại việc không rõ ràng trong các khái niệm "bảo vệ nguyên trạng", "bảo vệ nghiêm ngặt", "yếu tố nguyên gốc”, "yếu tố gốc" “có thể sẽ dẫn đến tình trạng làm mới hoặc phá hỏng di tích mà “người thực hiện không phải chịu trách nhiệm gì” trước tình trạng tu bổ di tích hiện nay.  Chị cũng có  nhiều bài viết khác về vấn đề cần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa như thế nào?(25)
         Đặc biệt, phóng viên Khánh Linh (Báo Việt Nam net) là người chuyên tâm đi vào mảng đề tài giới thiệu Lịch sử văn hóa, đấu tranh để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc(26). Chị cũng quan tâm đến vấn đề vai trò của luật pháp trong việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa(27) và đưa ra những kiến nghị về vai trò của nhân dân, của cộng đồng trong việc bảo vệ các di sản văn hóa(28).
        Nữ phóng viên Phạm Thị Thu Thủy báo Thể thao và Văn hóa cũng có  loạt bài: “Di sản văn hóa Tây Nguyên- những cái chết lâm sàng” viết về “sự kỳ diệu của sử thi Tây Nguyên so với nhiều sử thi dân gian các dân tộc khác, cũng giống như sự độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên ... là sức sống đương đại của nó trong các buôn làng: chiêng phải được đánh lên và khan phải được kể, được hát lên. Khan được kể trong những đêm đặc biệt ở nhà rông, với những nghi lễ cũng thật đặc biệt...”(29)
       Nữ phóng viên Yên Vân quan tâm tới “Giữ hồn nhà phố cổ” (Thể thao và văn hóa ngày 2/5/2009), Hương Thi bàn về  sự “Bất lực trong việc bảo vệ bãi đá cổ Sa Pa” ( Thể thao và Văn hóa ngày 13/2/2009), Yên Khương cùng với Huy Thông giới thiệu “Múa trống bồng Triều Khúc” (Thể thao và Văn hóa ngày 1/1/2009) ...
        Nhìn chung, các nữ phóng viên  đã không ngại ngần đi vào những điểm nóng, nhậy cảm trong nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Đặc biệt, trong khi làm nhiệm vụ của mình họ đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học và chính quyền vì thế mà các bài viết của họ không chỉ góp phần giới thiệu lịch sử, văn hóa Việt Nam mà đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc ngăn chặn những hành vi xâm phạm di sản, góp phần bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc(30).
4. Thay cho lời kết
       Cho tới nay, đánh giá về địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu như không ai có thể phủ nhận vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những tấm gương phụ nữ anh hùng bất khuất trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cũng như hình ảnh người phụ nữ trong đời sống tâm linh (mà có lẽ không quốc gia nào có hệ thống nữ thần, nữ thánh/mẫu phong phú và đa dạng như Việt Nam) của người dân đã minh chứng cho đóng góp của phụ nữ vào sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
      Trong cơn khủng hoảng do cuộc đụng độ thực dân gây nên vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với một truyền thống năng động, tự chủ và dấn thân được rèn đúc trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam sớm lựa chọn cho mình một tâm thế thích hợp, một vị trí xứng đáng trong sự phát triển của lịch sử. Đó là tự mình trở thành một lực lượng xã hội quan trọng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, cũng như trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhằm thay đổi xã hội đồng thời thay đổi chính thân phận mình. Họ đã chứng tỏ sự trưởng thành trong nhận thức về địa vị và vai trò của mình trong xã hội bằng cách sử dụng báo chí để nói lên nguyện vọng của giới nữ, cũng như tham gia vào việc bảo tồn và tiếp biến các giá trị văn hóa truyền thống góp phần đưa đất nước hòa nhập với thế giới hiện đại.
        Ngày nay, phụ nữ Việt Nam về mặt pháp lý đã được hoàn toàn bình đẳng so với nam giới. Đảng và nhà nước tạo mọi điều kiện để phụ nữ có thể phát huy mọi năng lực sáng tạo của mình. Họ có mặt trong hầu hết các ngành nghề trong xã hội và là lực lượng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.  Để kết luận bài viết này, tôi xin được dẫn  lời của Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết tại buổi toạ đàm “Vai trò của Phụ Nữ Việt Nam Trong Thế Kỷ XXI” do Quỹ Phát triển Phụ Nữ Liên Hợp Quốc UNIFEMHội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức: “Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp tích cực của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Là một lực lượng lao động xã hội đông đảo, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng với sự hội nhập và phát triển theo xu thế chung của nhân loại”.                                            
Tài liệu tham khảo
  [1]    Vũ Minh Giang, “Đảng cộng sản Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa”, Tạp chí cộng sản điện tử, số 2 (194) (2009), 2010.
  [2]    Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
  [3]    Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
  [4]    Trần Quốc  Vượng, Truyền thống phụ nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ, 1972.
  [5]    Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1997.
  [6]    Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, T2, NXB Sự thật, Hà Nội, 1975.







Chú thích
(1) Phan Ngọc cho rằng các kiểu lựa chọn này phản ánh mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng đã được mô hình hóa trong óc người với thế giới thực tại ít nhiều đã được mô hình hóa theo mô hình đã tồn tại trong biểu tượng.
(2) Tạp chí Nam Phong, số 4, 1920.
(3) Lần 1 từ 1897-1914 và lần 2 từ 1918- 1930.
(4) Năm 1922 cả nước có 19 tờ báo Tiếng Việt, đến năm 1925 có 25 tờ, năm 1927 có 36 tờ và năm 1929 có 47 tờ báo. Trong những năm 1930 bên cạnh  khoảng 30 tờ báo có từ trước có  khoảng 180 tờ báo mới ra đời. Đến 1/1/1939 trên toàn Đông Dương số báo tiếng Việt và song ngữ Pháp Việt là 120 tờ báo.
(5) Phạm Quỳnh trên báo Phụ nữ tân văn ngày 28/8/1030.
(6) Báo Đàn bà - số đặc biệt năm 1941.
(7) Bà Sương Nguyệt Anh ( 1864-1921) là con gái thứ năm của nhà thơ yêu nước Nam bộ Nguyễn  Đình Chiểu.
(8) Nữ sử Đạm Phương (1881-1947), tên thật là Công  nữ Đồng Canh, bà tham gia viết bài cho tạp chí Nam Phong, Hữu Thanh, Tràng An, Tiếng Dân - đồng thời lại giữ  chuyên mục Lời Đàn Bà cho báo Trung Bắc Tân văn.
(9) Sau sự xuất hiện của tờ báo phụ nữ đầu tiên, báo Nữ giới chung năm 1918, năm 1929, báo Phụ nữ tân văn (1929-1935) được xuất bản đã mở đầu cho sự ra đời của dòng báo phụ nữ. Trong đầu thập niên 1930 ở cả ba kỳ đều xuất hiện báo phụ nữ  và trong những năm sau đó, không thời gian nào là không có ít nhất một tờ báo phụ nữ đang tồn tại. Tờ này ngừng phát hành thì đã có một tờ khác ra đời.
(10) “Khuyên hãy vào hội Dục Anh giùm cho anh em, chị em lao động rthất nghiệp”, Bức thơ của Hội Dục Anh gửi quý bà quý cô” [PNTV-3/3/132].
(11) “Vận động lập nhà tế bần giúp người nghèo và gia đình họ” [PNTV-3/3/1032].
(12) Báo Trung Lập ngày 4/1/1932 đưa tin: Cuộc đấu xảo có 12 gian hàng trong đó có gian hàng của Hội nữ công Huế, 1 gian của các nữ đạo sĩ ở Sư nữ Diệu viên Huế, đặc biệt có một gian trưng bày các tác phẩm của nữ họa sĩ Mộng Hoa,  và cuộc đấu xảo này là cuộc đấu xảo của phụ nữ đầu tiên ở toàn Đông Dương.
(13) Lê Thanh Hải (2009), “ Minh triết gia đình trong bản sắc dân tộc Việt Nam- vốn xã hội  để phát triển bền vững”,  http://bansacdantocvietnam.blogspot.com/2009/10/minh-triet-gia-dinh.html
(14) Trong 18 bài tham gia cuộc thi đánh giá về nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du thì chỉ có 4 bài nói Kiều đáng khen, còn 14 bài đều cho Kiều đáng chê. Những bài khen Thuý Kiều đều đứng trên quan điểm đề cao tự do cá nhân, tự do yêu đương và khát vọng được hạnh phúc của phụ nữ. Còn hầu hết các bài đều phê phán Thuý Kiều dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, quan niệm về trinh tiết... Hoặc những bài viết về người phụ nữ đức hạnh là những bài ca ngợi người phụ nữ đảm đang, tần tảo, kiên trinh thủ tiết thờ chồng, nuôi nấng cha mẹ già và dậy dỗ con nên người... Các báo cũng thường đăng những câu chuyện về người phụ nữ tiết liệt như là một tấm gương cho hậu thế...
(15) Đến năm 1934-1935 báo Đàn bà mới đặt vấn đề Cần phải định nghĩa chữ gái mới [ĐBM-26/8/1935], cố gắng tìm hiểu Trong xã hội ta ngày nay thế nào là một người đàn bà mới [ĐBM-24/8/1936], và Địa vị người đàn bà mới trong gia đình ngoài xã hội quan trọng thế nào? [ĐBM-5/10/1936].
(16) Tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc VN, số 1 (10.11.1945).
(17) Các di sản thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế (được công nhận năm 1993), Vịnh Hạ Long (năm 1994 được công nhận là di sản thiên nhiên, năm 2000 được công nhận  là di sản địa chất), Phỗ cổ Hội An  (được công nhận năm 1999), Thánh địa Mỹ Sơn (được công nhận năm 1999), Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (được công nhận năm 2003), Nhã nhạc cung đình Huế (được công nhận năm 2003), Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, (được công nhận năm 2005), Không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh ( được công nhận năm 2009), Ca Trù  (được công nhận năm 2009).
(18) Năm  2008: Giới thiệu và bảo vệ “ Những báu vật nhân văn sống Việt Nam (về những nhân vật là hiện thân cho những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Việt);  Năm 2009: Những di sản kiến trúc truyền thống giá trị ; Năm 2010: Văn hóa những tộc người có nguy cơ biến mất trong cộng đồng văn hóa Việt Nam.
(19) Nguyễn Thị Kim Cúc nguyên là phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.
(20) Lê Thị Linh Trang, Vị trí vai trò của người phụ nữ trong xu thế Hội nhập và phát triển của đất nước: http://www.haugiang.gov.vn/Portal/DATA/sites/10/chuyende/phunu/phan2/vitrivaitrocuaphunutrongxuthehoinhapi.html
(21) Theo Thạc sỹ Nguyễn Quang Liệu, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì trong 5 năm gần đây, số nữ sinh ngành báo chí chiếm khoảng 85% tổng số sinh viên.
(22) “Đừng bật đèn xanh cho dân xâm hại di tích Cổ Loa” (Khánh Linh, VNN-14/12/2009) , “Nhiều di chỉ tự dưng... biến mất” (Khánh Linh, VNN-  25/09/2009); “Cảnh báo nạn đào phá các di chỉ khảo cổ” (Khánh linh, VNN- 24/09/2009), “ Nên ngừng việc "làm mới" các di tích hàng trăm tuổi (Khánh Linh, VNN- 03/09/2009 ) “Trùng tu di tích hay chuyện "ăn cơm trước kẻng" (Khánh Linh- VNN- 31/08/2009)
“Bảo tồn di tích Phật Tích: Đây là vấn đề nhạy cảm...” (Khánh Linh, VNN- 30/12/2008); “Tu bổ chùa Phật Tích: Sai vì nhận thức kém!” (Khánh Linh, VNN- 28/11/2008); “Cần bảo vệ di vật đã phát lộ ở chùa Phật Tích” (Khánh linh, VNN-  23/11/2008)…
(23) “15 năm vẫn chưa có lời giải cho cố đô Huế” (Ngọc Lan/Y Nguyên,Thanh niên- 25/11/2008),” “Đại hội Hội Di sản Việt Nam: Di sản tiếp tục bị xâm hại, phản biện xã hội còn yếu ớt” (Thu Hà, Tuổi trẻ 20/12/2009), “Luật là công cụ quan trọng nhất để bảo vệ di sản” (Thu Hà, Tuổi trẻ-  22/11/2009), Cứu di sản, chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"  Khánh Linh, VNN- 23/09/2009), “Ứng xử với di sản thế giới theo kiểu "tận thu"?” (Khánh linh, VNN- 15/09/2009), “Bán sự yên tĩnh và thanh thản “(Hải Trang, Tuổi trẻ- 13/09/2009).
(24) Hội lễ không phải là nơi "trưởng giả học làm sang" (Khánh Linh, VNN-17/02/2009),“Lễ hội đang bị lạm dụng để kiếm tiền...” (Khánh Linh, VNN- 16/02/2009), “Cách tân nhưng không được làm tha hoá lễ hội” (Khánh Linh, VNN-28/07/2009), “Không được áp đặt "những yếu tố bên ngoài" vào lễ hội” (Khánh Linh, VNN27/07/2009).
(25) .“Vì sao đề cử nghi lễ hầu đồng là Di sản thế giới?”  (Y Nguyên, Thanh niên-20/07/2009), “Quan họ và ca trù được UNESCO vinh danh”  (Y Nguyên, Thanh niên-01/10/2009) “ Đề nghị UNESCO vinh danh Hoàng thành Thăng Long” (Y Nguyên, Thanh niên-03/10/2008), Cái độc đáo và duy nhất của 82 bia Văn Miếu Hà Nội (Y Nguyên, Thanh Niên-11/09/2009 ).
(26) Vận mệnh dân tộc tạo nên hào khí Đông A” (Khánh Linh, VNN-05/02/2008 ), “Hát Xoan tự tin khoe duyên trước thế giới “(Khánh Linh, VNN-20/01/2010), “Di sản "hỏi tội" chuyên gia?” (Khánh Linh, VNN-31/12/2009.
(27) “Luật Di sản có nên vẽ đường cho hươu chạy?” (Khánh Linh, VNN- 26/05/2009), “Luật vẫn "phớt lờ" văn hoá phi vật thể”, (Khánh linh, VNN- 22/05/2009), “Phải có quy chế riêng cho tu bổ, tôn tạo di tích” (Khánh Linh, VNN- 19/05/2009), “Cần sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa, nhưng...” (Khánh Linh, VNN- 17/04/2009), Luật là công cụ quan trọng nhất để bảo vệ di sản, (Thu Hà- Hà Hương, Báo Tuổi trẻ ngày 22/11/2009).
(28) “Bảo tồn di sản: Cộng đồng giữ vai trò quyết định” (Khánh linh, VNN-  23/11/2009), “Bảo tồn cồng chiêng: Hãy để cộng đồng tự quyết định!” (Khánh Linh, VNN- 18/11/2009).
(29) Di sản văn hóa Tây Nguyên- Nhưỡng cái chết lâm sàng (Phạm Thị Thu Thủy-  Thể thao - Văn hóa  cuối tuần, ngày 20/05/2009).
(30) “Tôi tin Hà Nội sẽ không xây đền Lý Thái Tổ đâu” (Khánh Linh, VNN-  06/03/2009), “PGS Tống Trung Tín: Chùa Phật Tích đã tạm ngừng thi công” (Khánh Linh, VNN-  27/11/2008) “Dừng xây nhà văn hoá trên di tích Cổ Loa”( Khánh Linh, VNN-1/12/2009).




Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

TRÀ NHÂN *

Okakura Tenshin (I862-I9I3)
( chương VII, Trà nhân, trong cuốn Trà thư, NXB Thế giới, 2009) từ trangI45-I53)
Người dịch:Nishino Noriko ,giáo viên dạy Trà đạo- cố vấn câu lạc bộ Trà đạo Trúc Diệp
Lê Yến Minh
Đoàn Phương Ly
Lê Mai Hương
Người giới thiệu: GS Tani Akira- một trong những nhà nghiên cứu về Trà Đạo hàng đầu của Nhật Bản
Người biên tập tiếng Việt: Lê Kim Nhung- giảng viên văn học của Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội
Người hiệu đính: Trần Đoàn Lâm- GĐ nhà Xuất bản Thế giới.


 Trong tôn giáo, vị lai ở phía sau ta. Trong nghệ thuật, hiện tại là vĩnh cửu. Các vị Trà nhân tin rằng, sự thưởng thức nghệ thuật thực sự chỉ đến với những người nào tạo ra  nghệ thuật ảnh hưởng tới cuộc sống.  Vì vậy, họ tìm cách điều chỉnh cuộc sống hàng ngày bằng những tiêu chuẩn cao về sự tinh tế có được trong Trà thất. luôn luôn phải giữ thanh tịnh và việc dàm đạo được xếp đặt để không bao giờ phá vỡ sự hài hòa của không gian xung quanh. Kiểu dáng và màu sắc các trang phục, tư thế và cách đi đứng- tất cả đều thể hiện cá tính thẩm mỹ. Không thể xem nhẹ các vấn đề này, vì chừng nào một con người chưa thể tự làm đẹp mình thì người đó không có quyền tiếp cận cái đẹp. Vì vậy Trà Nhân cố gắng trở nên hơn một người nghệ sĩ, mà là chính bản thân nghệ thuật. Đó chín là Thiền của Mỹ học. Sự hoàn hảo có ở khắp mọi nơi, chỉ cần ta quyết nhận ra nó hay không. Kiryu rất thích viện dẫn một bài thơ cổ:
             Với những người chỉ mong mỏi hoa
Ta sẽ vui lòng chỉ ra mùa xuân nở rộ
Còn lưu lại trong những chồi nụ khó nhọc
Trên sườn đồi tuyết phủ (I)
Đóng góp của Trà Nhân thật sự đa dạng. Họ đã cải cách hoàn toàn kiến trúc cổ điển, trang trí nội thất và và tạo ra phong cách mới mà chúng ta đã miêu tả trong chương nói về trà thất- một phong cách thậm chí ảnh hưởng đến các cung điện và Thiền viện được xây cất sau thế kỷ I6. Một Kobori Enshiu đa tài đã để lại nhiều chứng tích nổi bật về thiên tài của mình trong Ly cung Katsura (2). thành Nagoya (3) và Nhị Điều (4) thành và tự viện Kohoan (5). Tất cả các khu vườn nổi tiếng ở Nhật Bản đều do Trà Nhân thiết kế . Đồ gốm của chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ đạt được chất lượng tuyệt hảo, nếu như các Trà Nhân không thổi hồn vào đó - việc chế tạo Trà cụ đòi hỏi phải phát huy hết mức sự khéo léo của những người thợ làm gốm. Bảy lò gốm nung của Enshiu (6) được toàn bộ học giả về gốm Nhật Bản biết đên. Nhiều loại vải dệt mang tên các Trà Nhân, những người đã tạo ra màu sắc, kiểu dáng. Thật sự không thể tìm ra bất cứ lĩnh vực nào mà Trà nhân không để lại dấu ấn kỳ tài của mình. Trong hội họa và sơn mài, có vẻ gần như là thừa nếu ta nói đến những đóng góp to lớn của họ. Một trong những trường phái hội họa danh tiếng nhất có nguồn gốc từ Trà Nhân Honami Koetsu(7), cũng nổi tiếng là một nghệ nhân sơn mài và gốm. Nếu đặt cạnh các tác phẩm của ông, thi sự tuyệt phẩm của người cháu trai Koho và người cháu trai họ Korin (8)và Kenzan(9) gần như bị lu mờ. Toàn bộ trường phái Korin như người ta thường gọi vậy là là một biểu hiện của Trà Đạo. trong các đường nét phóng khoáng của trường phái này, chúng ta dường như tìm thấy sức sống của chính thiên nhiên ở đó.

                                 Bộ đồ trà hay còn được gọi là Trà cụ

Cho dù ảnh hưởng của Trà nhân trong lĩnh vực nghệ thuật có mạnh đến đâu cũng không thể so sánh được với ảnh hưởng của họ tới cách sống. Không chỉ trong tập tục của một xã hội thanh lịch mà còn cả trong sự sắp đặt mọi chi tiết trong gia đình, chúng ta đều cảm nhận thấy sự hiện diện của Trà nhân. Rất nhiều các món ăn tinh tế, cũng như cách phục vụ món ăn đều là sáng tạo của họ. Trà nhân dạy chúng ta chỉ mặc y phục có màu sắc trang nhã. Họ chỉ dẫn cho chúng ta có một tinh thần phù hợp khi tiếp cận hoa. Họ nhấn mạnh vào yêu thích sự mộc mạc một cách tự nhiên của ta, và chỉ cho chúng ta thấy vẻ đẹp của sự khiêm nhường. Thực chất thông qua gia huấn của Trà nhân, trà đã đi vào cuộc sống của người dân.
Trong chúng ta, những ai không biết bí quyết điều chỉnh cuộc sinh tồn một cách hợp lý trong một bề hỗn độn đầy rắc rối, xuẩn ngốc mà chúng ta gọi là cuộc sống, thì luôn sống trong trạng thái khổ sở, trong khi cố tỏ ra vẻ hạnh phúc và hài lòng một cách hão huyền. Chúng ta loạng choạng cố tìm cách giữ cho tinh thần bình ổn, và nhìn thấy điềm báo giông tố nơi mỗi đám mây đang trôi phía chân trời. Tuy nhiên trong những cuộn sóng ào ạt lướt ra xa về phía vĩnh hằng vẫn có niềm vui và vẻ đẹp. Sao ta không hòa vào cái hồn của chúng, hoặc, giống như Liệt tử, cưỡi trên chính trận cuồng phong đó.

Chỉ có những ai sống với cái đẹp mới có thể chết đẹp. Khoảnh khắc cuối cùng của những Trà nhân vĩ đại cũng ngập tràn sự tinh tế thanh cao như chính cuộc sống của họ. Luôn luôn tìm cách sống hài hòa với nhịp điệu vĩ đại của vũ trụ, họ luôn sẵn sàng đi vào cõi vô định. " Tiệc trà cuối cùng của Rikyu" sẽ tồn tại mãi là tột đỉnh của sự bi tráng..."

                                                Trà thất
Tình bạn giữa Rikyu và Taiko Hideyoshi đã có từ lâu, và người võ sĩ vĩ đại rất trọng vọng bậc Trà Nhân này. Nhưng tình bạn của một bạo chúa luôn là vinh dự nguy hiểm. Đó là thời kỳ đầy rẫy phản trắc, và người người ta thậm chí không tin tưởng cả người thân cận nhất của mình. Rikyu không phải là một cận thần nô lệ và thường dám tranh luận với trái ý với bạo chúa của mình. Lợi dụng những lúc lạnh nhạt trong mối quan hệ với Taiko và Rikyu, kẻ thù của Rikyu đã vu cho ông có dính líu đến một âm mưu đầu độc bạo quân. Lời đồn tới tai của Hideyoshi rằng, chén trà xanh do chính vị Trà nhân chuẩn bị có chứa thuốc độc. Với Hideyoshi, nghi ngờ cũng đủ là lý do cho án tử  hình ngay tức khắc, và không có sự cầu khẩn nào lay chuyển được ý chí của kẻ thống trị đương cơn thịnh nộ. Kẻ bị xử tử chỉ được ban một đặc ân duy nhất là vinh dự được tự tay kết liễu mình.
                                           Vườn 
Vào ngày giã từ định mệnh, Rikyu mời những môn đệ trưởng của mình tới tham dự buổi tiệc trà cuối cùng. Các vị khách đau buồn hội tụ ở machial. Khi họ nhìn vào Roji, hàng cây dường như cũng rung động và trong tiếng xào xạc của lá cây như vọng lại tiếng thì thầm của các vong hồn. Những cây đèn xám đứng giống như âm binh oai nghiêm trước cửa Địa ngục. Một làn hương trầm thoang thoảng tỏa ra từ phòng trà; đó là lời mời khách bước vào. Từng người một tiến vào và ngồi vào chỗ của mình. Tại Tokonoma, có treo một bức kakemono (II) thể hiện bút pháp tuyệt vời của một vị sư thời xưa nói về sự phù du của mọi điều thế tục. Tiếng reo của nồi nước đang sôi trên lò than nghe như tiếng ve kêu buồn bã khi phải giã từ mùa hạ. Rồi vị chủ nhà bước vào phòng. Từng người một được mời thưởng thức trà, và từng người một lặng lẽ uống cạn chén trà, chủ nhân là người uống sau cùng. Theo nghi lễ, vị khách chính xin phép hỏi bộ đồ trà. Rikyu đặt các vật dụng khác nhau trước mặt họ cùng với bức thư pháp. Sau khi mọi người bày tỏ sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của chúng, Rikyu tặng mỗi người tham dự tiệc trà một vật làm kỷ niệm. Ông chỉ giữ lại chiếc bát. " Chiếc bát đã bị ô uế bởi đôi môi kẻ bất hạnh này, sẽ không bao giờ được sử dụng nữa". Nói xong ông đập vỡ chiếc bát làm nhiều mảnh.
Buổi tiệc trà kết thúc, các vị khách nén kìm nước mắt một cách khó khăn, nói lời từ biệt cuối cùng và rời phòng trà. Duy nhất một người, người gần gũi và thân cận nhất được yêu cầu ở lại để chứng kiến hồi kết. Rikyu cởi bỏ Trà phục và cẩn thận gấp lại đặt trên chiếu, để lộ ra tử phục trắng tinh khiết được mặc giấu cho đến lúc bấy giờ. Ông dịu dàng ngắm nhìn lưỡi dao định mệnh sáng loáng, rồi ngâm vài vần thơ tao nhã:
Xin chào mi
Lưỡi gươm vĩnh hằng
Qua cả Phật đà
Qua cả Đạt Ma
                                                                 Mi tự xuyên qua 
Với một nụ cười trên khuôn mặt, Rikyu bước vào cõi vô định
-------------------------
* Theo nguyên bản tiếng Anh, Trà nhân được dịch từ Tea-Master. Có người dịch Tea- master là Nghệ nhân trà đạo, nhưng theo tôi Nghệ nhân gắn với những người làm nghề thủ công. Còn Trà đạo không phải là một nghề thủ công mà là một nghi lễ, một triết lý sống, là Đạo. Nếu dùng Nghệ nhân sẽ không làm rõ được sự khác biệt ấy. Những người học Trà đạo để biết pha trà theo kiểu Trà đạo hiện nay chắc không được gọi là Trà Nhân. Trà Nhân là thuật ngữ và đi cùng với nó là cả một bảng những quy tắc thực hành tu dưỡng kèm theo. Trong Trà đạo có những khái niệm mang ý nghĩa quy ước riêng như : Trà Nhân, Trà Thất, Trà cụ, Trà phục...



Chú thích:
I. Thơ của Fujiwara no Ietaka ( II58-I237), quý tộc và nhà thơ lớn của Nhật bản
2. Ly cung Kasurra là một cung điện có vườn và kiến trúc ngoài trời nằm ở ngoại ô phía tây nam Kyoto. Đây là một trong những báu vật văn hóa kích thước lớn quan trọng của Nhật bản. khu vườn Ly cung là một kiệt tác của kiểu vườn Nhật Bản. cung điện gồm tòa nhà, trà thất và vườn. nó đem l;ại những thiết kế vô giá cho các cung điện Hoàng gia thời kỳ Edo
3. Thành Nagoya được  Tokugawa xây cho con trai thứ 9 của mình
4. Nhị Điều thành  do Tokugawa Ieyasu xây để bảo vệ lâu đài hoàng đế ở Kyoto
5. Chùa Daitoku
6 Là bảy lò ghốm của Enshiu cho sản xuất gốm sứ phù hợp với nghệ thuật Trà đạo
7.Honami Koetsu: (I558-I637) là một trà nhân sinh ra ở Kyoto, đồng thời cũng là thợ làm gốm, nghệ nhân sơn mài, là nhà thư pháp nổi tiếng, được xem là người mở đường cho trường phái hội họa Rimpa, một trong những trường phái hội họa lớn nhất Nhật bản. ông cũng là nghệ nhân gốm với những tác phẩm Raku nổi tiếng trong giới Trà đạo.
8.Ogata Korin: (I658-I7I6)là họa sỹ và nghệ nhân sơn mài và nhuộm vải, là anh trai của Ogata Kenza. Trường phái của ông được người đời sau gọi là Rimpa
9.Ogata Kenzan : (I663-I743), nghệ nhân gốm ở Kyoto, phong cách của opong là gốm hoa văn nhiều màu vẽ bằng bút lông.
I0 Rimpa: là một trường phái hội họa chính của Nhật bản từ thế kỷ I7 do Tawaraya Soutasu sáng lập và Otaga Korin xiển dương. Honami Koetsu và Otaga Kenzan củng cố và phát huy trong lĩnh vực gốm sứ, sơn mài. thuật ngữ " Rympa" bản thân là âm tiết cuối từ Korin được khắc trên tiền thời Minh trị
II. kakemono: tranh cuộn hay bức thư pháp treo tường.
 Các bạn có thể tìm hiểu thêm về việc đào tạo một thợ thủ công ở Nhật Bản ở đây:
http://chuyencuachi.blogspot.com/2011/03/tinh-than-nghe-nhan.html

 Khuyến mại thêm hình tôi thưởng thức Trà theo phong cách Trà đạo tại Sảnh đường Vàng ở Kyoto
                               Đây là Sảnh đường Vàng- Nơi đây người ta có thể mở tiệc trà
                               Phòng thưởng thức Trà đạo cho du khách tham quan Sảnh đường Vàng




PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...